Gia Lai: 'Hành động tập thể' đưa sầu riêng vươn ra thế giới
Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, ngành sầu riêng Gia Lai đang chuyển mình bằng cách tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất từ nông dân, hợp tác xã (HTX) đến doanh nghiệp thông qua mô hình 'hành động tập thể'.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và chất lượng đồng đều, cách làm này còn mở ra cơ hội khẳng định thương hiệu sầu riêng Gia Lai trên thị trường quốc tế.

Người dân xã Đức Cơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Ngọc Sang
Áp lực thị trường và yêu cầu đổi mới chuỗi giá trị
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã không còn phù hợp. Với ngành hàng sầu riêng-một loại trái cây được ưa chuộng tại nhiều thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.
Những thị trường này đều yêu cầu các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe: sản phẩm phải đồng đều về chất lượng, có số lượng lớn, rõ nguồn gốc, tuân thủ quy trình sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trước sức ép đó, Gia Lai-một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn của Tây Nguyên đang thúc đẩy mạnh mẽ mô hình “hành động tập thể”. Thay vì sản xuất đơn lẻ, các hộ dân được khuyến khích liên kết lại thành nhóm hộ, HTX và phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu. Chính sự đồng lòng, gắn kết trong sản xuất-tiêu thụ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị và đảm bảo tính bền vững của ngành hàng này.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực tại các địa phương phía Tây tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tính đến cuối tháng 5-2025, toàn tỉnh có hơn 7.900 ha sầu riêng, tăng mạnh so với các năm trước. Diện tích tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Tây tỉnh như: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai và Đak Đoa. Trong số đó, khoảng 3.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 42.000 tấn.
Toàn tỉnh đã được cấp 54 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.280 ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng quả tươi với công suất 350-370 tấn quả tươi/ngày. Hiện đã có 11 doanh nghiệp, 16 HTX và 3 nông hội đầu tư trồng và liên kết sản xuất sầu riêng với diện tích gần 2.900 ha…
Diện tích tăng đồng nghĩa với sản lượng lớn hơn nhưng cũng đặt ra bài toán khó về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý dịch bệnh và đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, không ít hộ dân vẫn canh tác rời rạc, chưa tham gia chuỗi liên kết, khiến việc đồng bộ quy trình và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu gặp nhiều rào cản.
Nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết
Những năm gần đây, mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương của Gia Lai, trong đó, nổi bật là các HTX năng động, chủ động tổ chức lại sản xuất theo chuẩn quốc tế.

Nông dân xã Chư Pưh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng trước khi thu hoạch. Ảnh: Ngọc Sang
Tại xã Ia Le, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đại Ngàn đang liên kết với 56 hộ trồng sầu riêng. Từ năm 2022, HTX đã được cấp 6 mã số vùng trồng cho 29 ha, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 400-450 tấn sầu riêng sạch cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Lê Thị Diễm-Giám đốc HTX-cho biết: “Chúng tôi thành lập HTX để tập hợp những hộ dân có chung định hướng sản xuất sạch và bền vững. Việc sản xuất theo VietGAP và được cấp mã số vùng trồng không chỉ là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu, mà còn giúp nâng cao giá trị trái sầu riêng. Người dân làm theo quy trình, thương lái đến tận nơi thu mua với giá tốt hơn”.
Tại xã Chư Păh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa cũng đang triển khai mô hình tương tự. Từ việc hỗ trợ xây dựng hồ sơ cấp mã số vùng trồng đến việc hướng dẫn bà con sử dụng phân bón hữu cơ, HTX đóng vai trò cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX-chia sẻ: “Chúng tôi tận dụng những buổi gặp gỡ hàng ngày để tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Khi sản xuất đúng chuẩn, sầu riêng được thu mua ổn định, giá cao hơn và nông dân không còn lo “được mùa mất giá”.
Trường hợp của ông Lê Văn Đặng (thôn 5, xã Chư Păh) là minh chứng rõ nét. Năm 2024, vườn sầu riêng hơn 100 cây của ông cho sản lượng hơn 6 tấn, thu về trên 600 triệu đồng, lãi ròng khoảng 400 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Sản xuất theo VietGAP có nhiều lợi ích. Năm nay, nếu được cấp mã số vùng trồng, sản lượng dự kiến tăng lên gần 10 tấn và giá trị càng cao hơn”.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa Nguyễn Thế Minh kiểm tra chất lượng quả sầu riêng của các hộ thành viên. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn tại xã Ia Ly, ông Nguyễn Ngọc Bích đã chủ động liên kết với HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông để xây dựng mã số vùng trồng cho 2 ha sầu riêng. Dù ban đầu gặp khó khăn trong việc ghi chép nhật ký sản xuất và tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhưng ông Bích cho rằng đây là “đầu tư 1 lần để ăn lâu dài”.
Kiểm soát chất lượng là "chìa khóa" giữ vững thị trường
Sự bùng nổ về diện tích và sản lượng sầu riêng khiến công tác kiểm soát chất lượng trở thành vấn đề "sống còn". Năm 2023, Trung Quốc từng tạm ngừng nhập một số lô hàng sầu riêng do vi phạm quy định kiểm dịch, khiến nhiều doanh nghiệp và nông dân thiệt hại. Sự cố này cho thấy nếu không quản lý nghiêm ngặt, nguy cơ đánh mất thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông-đề xuất: “Cần có chế tài đủ mạnh đối với các cá nhân vi phạm quy trình sản xuất. Nếu làm không đúng, phải thu hồi mã số vùng trồng, không thể để một người làm sai gây ảnh hưởng uy tín chung”.

Người dân xã Chư Păh canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Ngọc Sang
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt chuẩn xuất khẩu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành bộ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sầu riêng đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: “Nội dung hướng dẫn rất cụ thể, từ sử dụng phân bón sinh học, cắt tỉa đúng kỹ thuật, đến phòng trừ sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuyệt đối cấm sử dụng hóa chất nằm ngoài danh mục”.
Bên cạnh vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh công nghiệp, loại bỏ hoàn toàn sinh vật gây hại, đảm bảo khâu bảo quản sau thu hoạch để đạt tiêu chuẩn kiểm dịch. Đây là những yếu tố quyết định giúp nâng cao uy tín và giảm thiểu rủi ro bị trả hàng.
Gia Lai đang tích cực quy hoạch vùng chuyên canh sầu riêng, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông Hoàng Thi Thơ, điều quan trọng là tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, trong đó, nông dân liên kết với nhau thành tổ nhóm hoặc HTX. Doanh nghiệp, HTX là cầu nối kỹ thuật và quản lý quy trình. Doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, sầu riêng mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, gồm: chất lượng ổn định, sản lượng lớn, giao hàng đúng thời gian”-ông Thơ nhấn mạnh.

Vườn sầu riêng canh tác hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Đặng (thôn 5, xã Chư Păh) cho sản lượng và năng suất vượt trội. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với phía Trung Quốc tháo gỡ các vấn đề kỹ thuật, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp mã số mới để kịp phục vụ vụ thu hoạch sắp tới.
Thực tiễn cho thấy, “hành động tập thể” không còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành một lựa chọn tất yếu nếu muốn sầu riêng Gia Lai giữ vững thị phần xuất khẩu và nâng cao giá trị. Khi người dân làm đúng quy trình, liên kết bài bản, trái sầu riêng không chỉ được giá hơn mà còn vươn tới những thị trường khó tính nhất.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rủi ro thị trường và cạnh tranh quốc tế gay gắt, liên kết chuỗi giá trị là “lá chắn” vững vàng cho ngành hàng sầu riêng. Nếu tiếp tục đi đúng hướng, Gia Lai hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu “sầu riêng sạch-bền-chuẩn quốc tế” trên bản đồ nông sản toàn cầu.