Ổ bánh mì 208.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt hay chặt chém?
Bánh mì 208.000 đồng ở Nội Bài gây xôn xao, làm dấy lên tranh luận về mức giá đồ ăn đắt đỏ tại các sân bay, ranh giới giữa chi phí hợp lý và chặt chém.

Hành khách phản ánh bánh mì có giá 208.000 đồng tại ga quốc tế, sân bay Nội Bài, ngày 1/7. Ảnh: Nguyễn Ngọc Trà My.
Ổ bánh mì có giá 208.000 đồng tại sân bay quốc tế Nội Bài đã gây xôn xao dư luận ktừ đầu tháng 7, sau khi một hành khách đăng tải hóa đơn lên mạng xã hội và cho rằng mức giá này còn cao hơn ở nhiều sân bay quốc tế khác.
Ngày 10/7, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh và chấn chỉnh nếu có sai phạm. Đây không phải lần đầu câu chuyện "đắt đỏ vô lý" của đồ ăn trong sân bay chạm đến bức xúc chung. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao đồ ăn trong sân bay luôn quá đắt, và khi nào thì việc đắt đó trở thành chặt chém?
Từ đắt đến chặt chém
Việc giá đồ ăn cao trong sân bay không hoàn toàn vô lý. Ở hầu hết sân bay trên thế giới, doanh nghiệp kinh doanh F&B (đồ ăn và thức uống) phải chịu chi phí vận hành cao hơn bình thường.
Giá thuê mặt bằng: Các cửa hàng không chỉ thuê diện tích kinh doanh, mà còn phải chia phần trăm doanh thu cho sân bay. Ví dụ, sân bay Portland (Oregon, Mỹ) áp dụng mức giá sàn 861 USD/m2/năm, gấp đôi mặt bằng thương mại loại A trong thành phố, cộng thêm 10-18% doanh thu. Việc lựa chọn nhà thầu thường thông qua đấu thầu hoặc đề xuất chi tiết.
Chi phí hậu cần và vận hành: Hàng hóa phải đi qua an ninh nghiêm ngặt, khó tiếp cận, kéo theo chi phí giao hàng, lưu trữ và nhân công cao hơn. Ngay cả việc đậu xe cho nhân viên cũng phát sinh chi phí. Tại sân bay Seattle (Washington, Mỹ), mức phí này là 75 USD mỗi tháng.
Nguồn cung bị mặc định “giàu”: Một số nhà cung cấp mặc nhiên áp giá cao cho nhà hàng trong sân bay, vì tin rằng họ phục vụ khách hàng “có tiền”, gây áp lực lên giá thành sản phẩm cuối cùng.
Những yếu tố trên khiến một phần giá cao là có lý do. Tuy nhiên, không ít trường hợp, giá cả đồ ăn thức uống trong sân bay đã vượt quá ngưỡng “đắt do chi phí cao” và bị coi là bất hợp lý, lừa dối hoặc cố tình hét giá.

Khách hàng bức xúc vì Subway bán 3 chiếc bánh mì kẹp giá 3.152 baht. Ảnh: Subway/Facebook.
Ở Thái Lan, sân bay Phuket dính lùm xùm khi khách tố cửa hàng Subway tính 3.152 baht (khoảng 96 USD) cho ba chiếc bánh mì vào đầu năm nay. Tuy không bị phạt vì đã niêm yết giá, cửa hàng vẫn bị nhiều người chỉ trích.
Còn tại sân bay Pune (Ấn Độ), một cửa hàng bị phạt 20.000 rupee sau khi bán chai nước 500 ml giá 70 rupee - gấp 2-3 lần giá thị trường vào năm 2022. Mặc dù có quy định phải duy trì gian hàng bán giá bình ổn, lựa chọn hạn chế khiến hành khách vẫn phải chấp nhận mua hàng mức giá cao.
Khảo sát năm 2024 tại Ấn Độ cho thấy 60% hành khách cho rằng giá đồ ăn trong sân bay quá cao, thậm chí gấp 2-3 lần ngoài phố, vượt xa cả nhà hàng hoặc nhà ga đường sắt.
"Giá như ngoài phố"
Cơ quan Cảng vụ New York và New Jersey - đơn vị quản lý ba sân bay LaGuardia, JFK và Newark tại Mỹ - đã công bố chính sách áp giá trần mới cho dịch vụ đồ ăn và thức uống tại cả ba sân bay vào năm 2022, nhằm ngăn chặn tình trạng các cửa hàng nhượng quyền nâng giá quá mức đối với hành khách.
Chính sách mới giới hạn giá bán không được vượt quá mức giá của sản phẩm tương tự bên ngoài sân bay quá 10%, nhằm bù đắp cho thực tế rằng các đơn vị kinh doanh tại sân bay phải chịu chi phí vận hành cao hơn so với các nhà hàng thông thường bên ngoài.
Các quan chức đã tiến hành xem xét lại giá đồ ăn và thức uống trong sân bay từ mùa hè năm 2021, sau khi một hành khách phàn nàn trên mạng xã hội rằng một cửa hàng trong ga C của sân bay LaGuardia đã bán ly bia theo mùa với giá hơn 27 USD.
“Không ai cần phải chi số tiền quá phi lý như vậy chỉ để mua một ly bia”, Chủ tịch Cảng vụ Kevin O'Toole nói trong thông cáo báo chí vào thời điểm đó. Trong quá trình điều tra, cơ quan này phát hiện rằng “một số mức giá bia đã bị cộng thêm phụ phí sai quy định trên một mức giá gốc vốn đã bị nâng lên”, theo thông tin từ cảng vụ. Các quan chức đã yêu cầu đơn vị kinh doanh hoàn tiền cho toàn bộ khách hàng từng bị tính giá bia quá cao.

Các hàng quán tại sân bay LaGuardia phải tuân theo quy định "giá như ngoài phố". Ảnh: Eater NY.
Các quy định về giá - thường được gọi là "street pricing" (tạm dịch: giá như ngoài phố) - được trình bày rõ ràng trong một sổ tay dài 35 trang dành cho các đơn vị nhượng quyền. Theo lời ông O'Toole, khi các quy chuẩn đã "rõ ràng như ban ngày", không còn chỗ cho các cửa hàng thực phẩm và đồ uống trong sân bay lách luật về giá nữa.
"Tất cả khách hàng tại sân bay và các đơn vị kinh doanh cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với việc giám sát nghiêm ngặt và chủ động kể từ nay khi các tiêu chuẩn mới đã được áp dụng", ông O'Toole nói.
Là một phần trong các biện pháp thực thi, tất cả cơ sở ăn uống tại sân bay trong khu vực New York phải tiến hành kiểm tra giá bán hàng quý đối với 40 mặt hàng bán chạy nhất và gửi danh sách giá toàn bộ sản phẩm của họ hàng năm để cơ quan chức năng phê duyệt. Đồng thời, cơ quan cảng vụ cũng sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra giá ngẫu nhiên để đảm bảo các cửa hàng tuân thủ quy định.
Giá đồ ăn tại sân bay có thể đắt, nhưng không thể tùy tiện. Những mô hình như "giá như ngoài phố" ở Mỹ là gợi ý đáng tham khảo, giúp cân bằng lợi ích giữa nhà kinh doanh, sân bay và hành khách.