Gia Lai: Phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích chanh dây lên 20.000 ha
Sáng 8-7, Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với Viện Bảo vệ thực vật về việc phát triển bền vững cây chanh dây tại Gia Lai.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.439 ha chanh dây (trồng thuần 2.268,3 ha), năng suất bình quân đạt khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng đạt 109.809 tấn/năm.
Hiện nay, cây chanh dây được trồng chủ yếu ở các địa phương: Đak Đoa (1.080,7 ha), Ia Grai (962,4 ha), Chư Prông (714 ha), Chư Sê (474,3 ha), Mang Yang (302 ha), Kbang (211 ha), Chư Pưh (149,1 ha) và TP. Pleiku (230 ha)... Cơ cấu giống chanh dây chủ yếu là Đài Nông 1, Đồng Giao 1 (ĐG1).
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 2.470 ha chanh dây ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gần 2.500 ha chanh dây sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đã bình tuyển, công nhận 8 vườn cây chanh dây đầu dòng với 1.195 cây, hàng năm có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu hom giống, đảm bảo cho diện tích trồng mới khoảng 4.240-5.300 ha/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, cây chanh dây trên địa bàn tỉnh có xuất hiện 1 số bệnh như: hóa bần, quăn lá, ngọn; đốm nâu, thối thân, thối gốc, thối quả, thán thư; bọ trĩ; nhện đỏ, ruồi đỏ… gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, làm giảm năng suất. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ chanh dây chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên thiếu tính ổn định về giá cả và đầu ra cho nông dân. Việc liên kết sản xuất chanh dây giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất chanh dây, nhất là liên kết để sản xuất chanh dây đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu…
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Gia Lai là tỉnh đứng đầu cả nước vệ diện tích cây chanh leo. Hiện, tỉnh xác định chanh dây là 1 trong 4 cây ăn trái chủ lực và cây chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở diện tích chanh dây là 20.000 ha, đến năm 2030 khoảng 30.000 ha và đến năm 2040 ổn định diện tích chanh dây 30.000 ha.
“Qua đây, Sở cũng đề nghị Viện Bảo vệ thực vật quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện việc xây dựng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình phòng trừ tổng hợp các đối tượng sinh vật gây hại trên cây chanh dây để phát triển bền vững diện tích; hướng dẫn, chuyển giao các quy trình sản xuất cây ăn quả (trong đó có chanh dây), quy trình canh tác rải vụ thu hoạch; các quy trình ứng dụng công nghệ cao và thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ… nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm từ cây ăn quả của người dân trong tỉnh”-ông Có đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật-cho hay: Hiện nay đã ghi nhận được 6 loài virus gây hại trên cây chanh leo với nhiều dạng biểu hiện khác nhau như: quăn và chùn ngọn, lá bị khảm vàng, nhăn nheo, phồng rộp và quả biến dạng, quả nhỏ, vỏ quả bị hóa bần. Ngoài ra, trên cây chanh dây còn còn xảy ra một số bệnh đốm nâu, thối thân, thối quả, thán thư, thối gốc, phình thân, rệp muội, bọ phấn trắng-rầy phấn trắng, bọ trĩ, bọ xí, nhện nhỏ, ruồi đục quả.
Do đó, để sản xuất chanh dây bền vững, người dân cần sử dụng cây giống chất lượng tốt, có chứng nhận sạch virus và không nhiễm các nấm bệnh truyền qua đất; xử lý đất bằng thuốc bảo vệ thực vật trước khi trồng; sử dụng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, xạ khuẩn Steptomyces, vi khuẩn Bacillus, thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất saponin, ankaloid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium... và các vi sinh vật có ích khác để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây hại trong đất. Sử dụng thuốc hóa học theo nguyên tắc 4 đúng…
“Thời gian đến, Viện Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, người dân về nhận diện giống sạch bệnh, các giải pháp phòng trừ dịch bệnh hại trên cây chanh dây và sản xuất chanh dây bền vững. Xây dựng mô hình sản xuất chanh dây sạch bệnh, bền vững để chuyển giao khoa học kỹ thật cho người dân…”-Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật thông tin thêm.
LÊ NAM