Gia Lai sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành có liên quan tăng cường công tác chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã đem lại kết quả tích cực, góp phần tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu rau, hoa và cây ăn quả có chất lượng, đủ số lượng, đủ chủng loại để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, cung ứng cho các siêu thị lớn và việc tổ chức liên kết sản xuất giữa các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều bất cập. Chất lượng nguyên liệu rau, hoa, quả không đều giữa các vùng sản xuất; vùng nguyên liệu thiếu ổn định và sản xuất phát triển chưa bền vững; vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn hạn chế.

Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 2, xã Ia Blang). Ảnh: Ngọc Sang

Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 2, xã Ia Blang). Ảnh: Ngọc Sang

Do đó, để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế và tận dụng cơ hội thị trường; khắc phục tồn tại hạn chế; đẩy mạnh việc xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả hàng hóa theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; đồng thời, cụ thể hóa những mục tiêu các Đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất hoa, cây cảnh và kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh rau, cây ăn quả hàng hóa có thế mạnh của địa phương theo hướng đẩy mạnh rải vụ thu hoạch trên cơ sở tính toán, xác định thời vụ của các địa phương để tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liền vùng; đảm bảo phát huy được lợi thế về khí hậu, đất đai, khả năng kêu gọi, thu hút đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân biết để tạo sự đồng thuận, chung sức và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.

Hàng năm, giao chỉ tiêu phát triển diện tích rau, cây ăn quả cho UBND cấp xã, các chủ đầu tư theo thẩm quyền. Chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện các giải pháp để bố trí đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản; trong đó, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quảng bá và phát triển du lịch nông nghiệp, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Chú trọng công tác khuyến nông, tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc. Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án hiện có ở địa phương để ưu tiên phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả gắn với phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Sản xuất rau xanh theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp

Sản xuất rau xanh theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả và tổ chức lại sản xuất, hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, liền vùng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hướng dẫn, củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị, trên cơ sở phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế và kết nối ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất cung ứng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia vào chuỗi.

Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương ưu tiên trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm; hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nắm bắt các chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật liên quan đến nông sản, thực phẩm của các quốc gia đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị triển khai thực hiện về quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội chỉ đạo các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền và thực hiện việc phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liền vùng gắn với nhu cầu thị trường và các cơ sở, nhà máy chế biến của tỉnh; phân công cán bộ, đoàn viên, hội viên hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất và thực hành sản xuất theo các quy trình nông nghiệp tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường công tác phối hợp giám sát nhằm phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, quả không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để kiến nghị đến các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

LỆ HẰNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202212/gia-lai-san-xuat-rau-hoa-cay-canh-cay-an-qua-theo-huong-nang-cao-chat-luong-5797597/