Gia Lai vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, tạo sức bật để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2020 - 2025. Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (2020 - 2025).
Nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch
Theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 9,1% (chỉ tiêu Nghị quyết là 8,6% trở lên); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 71,42 triệu đồng (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là 79,5 triệu đồng). Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông -lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,97%.
Việc tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,15%; hình thành các vùng trồng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 152.000 tỷ đồng (tăng bình quân 17,24%/năm). Giai đoạn 2021 - 2023, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân 14,33%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2021, 2022 và ước năm 2023 lần lượt đạt 72.259 tỷ đồng, 89.643 tỷ đồng và 108.000 tỷ đồng. Hệ thống thương mại phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 109 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 69.074 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 23.900 tỷ đồng (đạt 80% kế hoạch); phát triển mới 104 hợp tác xã. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 bình quân hàng năm tăng 13,6%; công tác quản lý, điều hành chi ngân sách thực hiện đúng quy định, bảo đảm được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động học sinh đi học các cấp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm tổ chức thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tổ chức, cán bộ thực hiện đúng quy trình, quy định; tỷ lệ kết nạp đảng viên và tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Thu hút được nhiều dự án đầu tư
Về thực hiện 4 chương trình trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28.6.2021 về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.1.2022 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20.1.2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20.1.2022 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp. Các dự án về hạ tầng giao thông được triển khai bảo đảm tiến độ, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra. Hệ thống giao thông Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 120 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2025 sẽ có 20 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng kết nối phát triển du lịch, khu đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 07-NQ/TU cơ bản đã đạt được. Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 7.2023, trên địa bàn tỉnh có 132 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 86.861 tỷ đồng, trong đó có 34 dự án đã triển khai xây dựng, hoàn thành đi vào hoạt động kinh doanh.
Về nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp có nhiều chuyển biến; công tác trồng rừng được quan tâm chỉ đạo, chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xác định và cụ thể hóa các nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành các chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy định, quy chế để tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh đã phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai và đề ra lộ trình, thời gian hoàn thành. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, hành động và xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.