Giả làm cháu của Phó Thủ tướng lừa doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng
Giả cháu của Phó Thủ tướng, tạo ra các cuộc gặp tại Văn phòng Chính phủ, cùng nhiều giấy tờ giả, bị cáo Vũ Thị Hương Lan lừa của nhiều doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng.
Ngày 4-12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Hương Lan 23 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Mồi câu vốn ưu đãi
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Vũ Thị Hương Lan (41 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mạo danh là nhân viên Văn phòng Chính phủ, cháu của Phó Thủ tướng, có khả năng giải quyết việc giải ngân nguồn vốn an sinh xã hội của Chính phủ cho các doanh nghiệp.
Sau đó, bị cáo tiếp cận các doanh nghiệp, hứa hẹn sẽ giúp họ được vay vốn an sinh xã hội của Chính phủ với lãi suất ưu đãi từ 0,1-3%/năm. Đổi lại, doanh nghiệp phải đặt cọc tiền khi có thông báo, quyết định giải ngân của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Để các doanh nghiệp tin tưởng, Lan thường hẹn gặp các cá nhân, doanh nghiệp tại nhà hàng gần Nhà khách Chính phủ. Ngoài ra, lợi dụng quan hệ quen biết với ông Nguyễn Đức Tân, bà Nguyễn Thị Hoa Lý, nhân viên Văn phòng Chính phủ, bị cáo Lan đã đưa một số cá nhân, doanh nghiệp vào trụ sở Văn phòng Chính phủ để gặp, trao đổi việc vay vốn.
Lan còn cho các cá nhân, doanh nghiệp xem một số tài liệu giả như Quyết định của Bộ Tài chính đồng ý và phê duyệt cho Vũ Thị Hương Lan quản lý nguồn tiền an sinh xã hội; Quyết định giải ngân (nguồn vốn an sinh xã hội) của Bộ Tài chính, Thông báo lệnh giải ngân, Thông báo về việc đặt cọc… nhằm mục đích cho họ tin tưởng, chuyển tiền.
Những tài liệu trên, Lan khai thuê một người ở TP.HCM làm giả nhưng đến nay cơ quan tố tụng không xác định được đối tượng này.
Bị cáo còn làm giả và sử dụng con dấu giả của Văn phòng Chính phủ, 22 tài liệu giả của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 6 cá nhân, doanh nghiệp. Tổng cộng, từ năm 2018 đến tháng 5-2022, bị cáo đã chiếm đoạt tổng số tiền 16 tỉ đồng.
Người bị mất nhiều tiền nhất là ông Lê Thanh Tr, Giám đốc Công ty Hoàng Trung Dương. Bị cáo Lan đã dùng thông báo lệnh giải ngân giả để lừa ông Tr chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền hơn 7,2 tỉ đồng.
Còn ông Đặng Thanh Q, Tổng giám đốc Công ty CP Cửu Long Mê Kong bị Lan dùng các thông báo đặt cọc, thông báo lệnh giải ngân giả để lừa chuyển tiền, tổng cộng 3,6 tỉ đồng.
Ngoài các nạn nhân trong vụ án, bị cáo còn tiếp cận 4 doanh nghiệp khác để lừa đảo nhưng chưa thành thì đã bị phát hiện. Bị cáo còn làm giả con dấu của Sở Tài nguyên & môi trường Đắc Lắc, UBND tỉnh Đắc Lắc, bằng tốt nghiệp đại học cho chính bản thân… nhưng chưa sử dụng.
Hai nhân viên bị lợi dụng
Về hai nhân viên Văn phòng Chính phủ, hồ sơ vụ án nêu ông Tân quen biết với mẹ bị cáo. Qua đó, bị cáo quen biết với Tân và từ ông Tân biết bà Lý. Bị cáo nói với bà Lý là nhân viên tín dụng của một ngân hàng thường xuyên lên làm việc với khách hàng hội sở chính.
Bị cáo nại ra lý do tiếp khách ở hội sở chính bị cạnh tranh và nhờ bà Lý đưa vào trụ sở Văn phòng Chính phủ tiếp khách cho tăng thêm uy tín với doanh nghiệp.
Bị cáo đã 3 lần đưa đại diện doanh nghiệp vào phòng khách Văn phòng Chính phủ bằng cách nói là có hẹn với bà Lý. Khi làm xong thủ tục đăng ký thì Lan gọi điện nhờ bà Lý xuống gặp, chào hỏi đôi ba câu rồi cán bộ Văn phòng Chính phủ quay lại phòng làm việc...
CQĐT xác định ông Tân, bà Lý bị Lan lợi dụng và giúp Lan có chỗ tiếp khách, không biết việc Lan lừa đảo, không được hưởng lợi ích vật chất hoặc được Lan hứa hẹn gì.
Việc làm của hai cá nhân vô tình tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an toàn về an ninh trật tự, ảnh hưởng uy tín Văn phòng Chính phủ. CQĐT đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ về công tác quản lý cán bộ và tiếp khách tại trụ sở cơ quan đầu não tham mưu của Chính phủ.