Gia Lâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhờ nguồn vốn chính sách
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Ngô Xuân Tú ở thôn Tô Khê, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm chia sẻ, gia đình được vay vốn tín dụng chính sách từ năm 2015 và hiện vẫn đang vay 70 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, gia đình ông đã thuê thêm ruộng, cải tạo đất để trồng chuối. Với 5 mẫu đất đang trồng gần 5.000 gốc chuối, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng chuối, cuộc sống của gia đình được cải thiện rõ rệt, đủ tiền nuôi 4 con ăn học, xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm đủ tiện nghi sinh hoạt.
Trong không gian ngào ngạt của hương hoa bưởi, ông Trần Chí Nguyện ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm phấn khởi nói: “Gia đình tôi đang vay 170 triệu đồng, trong đó có 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm và 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của thành phố Hà Nội để trồng 3 mẫu bưởi. Với diện tích canh tác như vậy, nếu gia đình tôi không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thì rất khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất. Các hộ dân ở thôn có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện đều được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm cho vay vốn”.
Theo ông Trần Chí Nguyện, so với trồng ngô, trồng lúa, thu nhập từ trồng bưởi cao hơn hẳn. Cụ thể, trồng lúa thu nhập chỉ được 3 triệu đồng/sào; còn trồng bưởi, trừ hết chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng/sào. Nhờ trồng bưởi, gia đình ông đã xây được căn nhà mới 3 tầng khang trang. Để gia đình ông có cuộc sống như ngày hôm nay, theo ông Trần Chí Nguyện, ngoài sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, không thể không kể tới sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố, huyện Gia Lâm và sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cán bộ xã, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm vay vốn.
Hiện tại, tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm là 573,4 tỷ đồng, tăng 25,9 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và hiện đang cho 9.806 khách hàng vay vốn, với dư nợ gần 571,6 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế của huyện, nhất là đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên canh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 304,13ha, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất rau, hoa, quả tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa, đạt trung bình từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm và một số mô hình doanh thu lên tới hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. “Năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; duy trì 1.693,5ha rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh… Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện trồng được 1.860ha rau, cây ăn quả an toàn, VietGAP và 372ha hoa, cây cảnh, góp phần nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất”, ông Trương Văn Học cho biết thêm.
Với hiệu quả rõ rệt từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu đặt ra của huyện Gia Lâm, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, xã thành phường.