Già làng 72 tuổi làm kinh tế giỏi, giúp nhiều người Co vươn lên thoát nghèo

Giữa núi rừng Trà My (Đà Nẵng), có một cụ ông được bà con xem như 'cột trụ' tinh thần của bản làng người Co. Ở tuổi 72, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn giúp đỡ người nghèo, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi và bền bỉ vun đắp tình làng nghĩa xóm...

Gương sáng của bản làng

Ở thôn 1, xã Trà My (TP Đà Nẵng) - trước đây là xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), cái tên Hồ Trường Sinh (SN 1953) đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái và ý chí vươn lên trong cộng đồng người Co.

Tuổi thơ cơ cực trong một gia đình nghèo khiến ông thấm thía sâu sắc giá trị của tình người. Từ căn nhà gỗ nhỏ nằm chênh vênh trên triền đồi, ông cùng vợ bắt đầu dựng cơ nghiệp bằng vài hecta keo - vào thời điểm ít ai dám đầu tư trồng rừng.

Nhờ kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế rừng, đến nay ông đã sở hữu hơn 25ha keo trồng, kết hợp chăn nuôi heo bản địa, gà thả vườn, trồng sắn và dứa xen canh. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng - mức thu nhập ổn định ở vùng cao. Nhờ đó, ông xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được ô tô và trở thành một trong những hộ khá giả đầu tiên của xã.

Không chỉ vậy, ông còn mở thêm dịch vụ nấu ăn phục vụ cưới hỏi trong vùng, vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo việc làm cho người nhàn rỗi trong thôn.

Già làng, người uy tín Hồ Trường Sinh

Già làng, người uy tín Hồ Trường Sinh

Với người dân địa phương, già Sinh không chỉ là nông dân giỏi mà còn là người truyền cảm hứng. Ông sẵn sàng hỗ trợ giống cây, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để người nghèo có sinh kế ổn định.

“Mình sống được thì phải kéo bà con cùng sống. Làng có nhiều người khá lên, thì mới yên vui lâu dài được”, ông Sinh nói.

Già Sinh cũng là người tiên phong trong vận động hiến đất mở đường, xây trường học. Ông là người đầu tiên tự nguyện hiến gần 200m² đất, tháo dỡ cây trồng và công trình để mở lối đi cho bản làng. Thấy ông làm gương, hàng chục hộ khác đồng thuận làm theo. Nhờ đó, một tuyến đường bê tông khang trang đã nối liền trung tâm xã với từng mái nhà người Co.

Không chỉ vậy, ông còn giữ vai trò hòa giải các mâu thuẫn trong thôn, giải thích chủ trương, chính sách bằng lời lẽ mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu. Với bà con, già Sinh là “cầu nối” giữa chính quyền và dân làng - một tiếng nói thân thuộc, đủ tin cậy để được lắng nghe và làm theo.

Ông Sinh đã tự nguyện hiến gần 200m² đất và vận động người dân cùng hiến đất để làm đường bê tông vào làng

Ông Sinh đã tự nguyện hiến gần 200m² đất và vận động người dân cùng hiến đất để làm đường bê tông vào làng

Suốt hơn 10 năm được bầu là người có uy tín, già Sinh luôn gương mẫu, tích cực góp ý, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận.

Dù bận rộn, ông luôn có mặt khi làng có việc - từ ma chay, ốm đau đến thiên tai, hoạn nạn. Với người già neo đơn, ông thường xuyên thăm hỏi, phối hợp cùng Hội Người cao tuổi tặng quà, động viên tinh thần.

Tấm lòng thơm thảo của già Sinh

Không chỉ sống có trách nhiệm với cộng đồng, già Sinh còn được quý mến bởi tấm lòng rộng mở với những người không ruột rà máu mủ.

Hơn 20 năm trước, cụ bà Huỳnh Thị Dế (90 tuổi), không nơi nương tựa, được gia đình ông đón về chăm sóc. Khi bà qua đời, ông lo hậu sự chu toàn như với người thân trong nhà.

Sau đó, ông nhận nuôi chị Hồ Thị Bé (SN 1996), mồ côi cha mẹ từ năm lên 4 tuổi. Sau khi cưới chồng, chị Bé còn được cha nuôi cho đất để dựng nhà riêng.

Chị Hồ Thị Bé biết ơn vì được ông Sinh cưu mang, nuôi ăn học và cho đất để vợ chồng chị làm nhà

Chị Hồ Thị Bé biết ơn vì được ông Sinh cưu mang, nuôi ăn học và cho đất để vợ chồng chị làm nhà

“Cuộc sống tôi có được như hôm nay là nhờ ba Sinh cưu mang. Tôi luôn biết ơn tấm lòng của ba,” chị Bé xúc động nói.

Mới đây, vợ chồng ông Sinh tiếp tục nhận đỡ đầu hai anh em mồ côi Hồ Nhật Linh (đồng bào Co) trong thôn. Mất cha từ sớm, mẹ lại qua đời vì bệnh hiểm nghèo, hai em không còn người thân bên cạnh. Thấy hoàn cảnh quá xót xa, ông bà đã nhận nuôi, lo cho các em ăn học đến khi trưởng thành.

Những việc làm ấy, ông chẳng bao giờ kể lể. Nhưng bà con nơi đây vẫn truyền tai nhau về tấm lòng thơm thảo của già Sinh với sự kính trọng sâu sắc.

“Mình già rồi, tiền bạc không còn quan trọng bằng việc giúp người khác đứng lên”, ông chỉ cười hiền.

Nhờ ông Sinh, việc tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước tại bản làng người Co ở Trà My được thực hiện hiệu quả

Nhờ ông Sinh, việc tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước tại bản làng người Co ở Trà My được thực hiện hiệu quả

Ông Lê Văn Bình - nguyên Chủ tịch UBND xã Trà Giang (cũ) nhận xét: Với vai trò người có uy tín, ông Sinh luôn mẫu mực trong việc phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ người dân cùng vươn lên thoát nghèo và tuyên truyền pháp luật hiệu quả. Ông còn sống nghĩa tình, có tấm lòng thơm thảo nên được người dân tin yêu, kính trọng.

Với những đóng góp của mình, già Sinh từng nhiều lần được mời tham dự hội nghị người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp Trung ương.

Năm 2016, ông được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách với người có công với cách mạng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Giữa nhịp sống đổi thay từng ngày, già Sinh vẫn lặng lẽ vun trồng điều tử tế, như cách ông chăm từng gốc keo, nâng niu từng mầm sống cho rừng xanh. Không ồn ào, không phô trương, ông gìn giữ nghĩa tình bản làng bằng chính cuộc đời mình - bền bỉ, thầm lặng và đầy sức lay động.

Hà Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-lang-72-tuoi-lam-kinh-te-gioi-giup-nhieu-nguoi-co-vuon-len-thoat-ngheo-2418037.html