Những chuyến xe nghĩa tình vượt dốc lũ về miền Tây Nghệ An
Miền Tây Nghệ An vừa oằn mình qua cơn lũ dữ. Núi rừng tang thương, lòng người chưa kịp nguôi ngoai. Giữa hoang tàn, những chuyến xe 'nghĩa tình đồng bào' lặng lẽ lăn bánh, mang theo hơi ấm từ miền xuôi về với bà con vùng lũ.

Từng đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau hướng về vùng lũ miền Tây Nghệ An. Ảnh: KT
Những chuyến xe khởi hành từ tấm lòng
Từ khi nghe tin miền Tây Nghệ An bị lũ quét, anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế xe tải ở xã Quang Đồng, (Nghệ An) không ngần ngại gọi điện huy động bạn bè: "Anh em gom hàng đi, bà con trên đó khổ lắm rồi!". Chỉ sau 2 ngày, gần 3 tấn hàng gồm mì tôm, gạo, nước sạch, áo quần đã được tập kết.
Chuyến xe của anh là một trong hàng chục chuyến xe "Nghĩa tình đồng bào" do các tổ chức, cá nhân thiện nguyện từ khắp nơi đổ về. "Tôi sinh ra ở miền núi, tôi hiểu bà con thiếu thốn ra sao. Xe của tôi, sức của tôi, giúp được là tôi giúp", anh chia sẻ giản dị.

Những chuyến xe cứu trợ nối dài hướng về miền Tây Nghệ An
Tại phường Trường Vinh (Nghệ An), nhóm chị Lê Thị Hải Yến đã kêu gọi người quen góp gạo, mì, nước uống, thuốc men. Chỉ sau hai ngày, gần 3 tấn hàng được chất lên xe, vượt hơn 250 km đèo dốc đến với bà con Nhôn Mai. "Lúc xem hình ảnh nhà cửa trôi theo nước, lòng tôi thắt lại. Thương lắm. Không nhiều nhặn gì, nhưng hi vọng giúp họ vượt qua lúc ngặt nghèo", chị nói.
Có đoàn đi từ Hà Nội, ngoài nhu yếu phẩm, đoàn còn mang theo cả sách vở, áo ấm, bánh kẹo cho trẻ nhỏ. Đoàn đến xã Mỹ Lý sau hơn 12 tiếng di chuyển, phải vác hàng bộ hơn 3 cây số vì xe không vào được do đường sạt lở. Vất vả là vậy, nhưng không ai than. Mồ hôi ướt áo, bùn lấm chân, họ vẫn cười khi nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của những đứa trẻ nơi vùng lũ.

Hàng cứu trợ được tập kết về các điểm tập trung của các xã để được phân bổ cho bà con vùng lũ.
Trên những cung đường quanh co bị sạt lở, xe nhiều lúc phải dừng lại, hàng hóa được cõng bộ vào bản. Có người đi 5 cây số đường bùn mới mang được bao gạo, thùng nước đến nơi. Những bàn tay rớm máu, lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng ánh mắt thì sáng lên vì niềm vui được sẻ chia.
Chị Nguyễn Thị Linh – một thành viên nhóm thiện nguyện ở TP Vinh – xúc động kể lại: "Có cụ già đứng chờ từ sang sớm, chỉ để nhận một gói muối, chai dầu ăn. Cụ cầm quà rồi khóc. Cụ bảo: "Tôi không nghĩ ngoài này còn ai nhớ đến bà con dân bản".

Phân bổ hàng cứu trợ về các địa phương

Nhiều bản làng bị chia cắt nên công tác cứu trợ phải di chuyển bằng thuyền bè.
Nhiều địa phương như xã Yên Hòa, Con Cuông, Tương Dương, Nga My, Mường Xén… sau ba ngày bị cô lập hoàn toàn, những đoàn xe tiếp tế đầu tiên đến nơi đã khiến các bản làng rưng rưng. Trẻ con ùa ra đón, người lớn đứng thành hàng chắp tay cảm ơn. Cảnh tượng ấy, dù không ồn ào, lại chạm đến trái tim bất kỳ ai chứng kiến.
Gói yêu thương gửi lại nơi rẻo cao
Không chỉ có hàng hóa, nhiều chuyến xe còn mang theo lời hỏi han, những cái nắm tay siết chặt, và cả những câu chuyện đời thường mà ai cũng cần sau bão giông: "Bà con mình không đơn độc đâu".
Ông Nguyến Viết Hùng, Bí thư đảng ủy xã Mường Xén, không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người dân thành phố gom từng thùng mì, từng đôi dép để gửi lên bản: "Ở đây có nhà sập, có người mất hết tài sản, nhưng khi nhận được chút quà từ miền xuôi gửi lên, ai cũng nói 'như được tiếp thêm sức mạnh để sống tiếp'. Thiếu thì vẫn thiếu, nhưng lòng thì ấm lại".

Đoàn cứu trợ hỏi thăm bà con vùng lũ.

Đoàn thiện nguyện trao tận tay các phần quà cho bà con dân bản
Khi đoàn cứu trợ vào tới bản Cửa Rào 2 xã Tương Dương, bà con đã tụ họp chờ từ sớm. Có người đi bộ cả tiếng đồng hồ từ bản bên cạnh để nhận một gói muối, một gói mì. Bà Đậu Thị Hợi (78 tuổi) nắm chặt tay một thành viên trong đoàn, rớm nước mắt: "Tui không biết ai gửi, chỉ biết cảm ơn nhiều lắm. Có gạo ăn là mừng rồi, không đói là được rồi".
Có nhóm sinh viên từ Hà Nội mang lên bản những chiếc đèn pin, sách vở và bánh kẹo cho trẻ nhỏ. "Em chỉ mong các bé ở đây không thấy mình bị bỏ quên" - Nguyễn Phương Mai, sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, nhẹ nhàng nói.
Những chuyến xe rồi sẽ trở về, nhưng tấm lòng của bao người gửi gắm trên đó sẽ còn ở lại. Ở lại trong từng nụ cười, ánh mắt biết ơn, và trong niềm tin của bà con rằng: khi khó khăn, vẫn có nhau - vẫn có nghĩa tình đồng bào.