Già làng, người có uy tín chung tay đảm bảo an ninh vùng biên

Các già làng, người có uy tín sinh sống ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an và tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng.

Không chỉ là nhân tố quan trọng, luôn đi đầu tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở bản, nhiều già làng, người có uy tín ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới còn tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, góp phần đảm bảo an ninh ở vùng biên.

Minh chứng rõ nét nhất là các già làng, người có uy tín sinh sống ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an và tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng.

Cán bộ Công an xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi tình hình trên địa bàn với già làng Hồ Minh Phương.

Cán bộ Công an xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi tình hình trên địa bàn với già làng Hồ Minh Phương.

Đơn cử, cuối năm 2023, khi nắm được thông tin một nhân viên làm việc tại cơ quan Nhà nước đang sinh sống ở huyện Nam Đông bị lừa 200 triệu đồng khi nhờ “hóa giải tình duyên” qua mạng, một già làng nhanh chóng báo tin cho Công an phụ trách địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Công an cơ sở, các đoàn thể vận động người dân cẩn thận với vấn nạn lừa đảo qua mạng. Qua đó, cơ quan Công an Thừa Thiên Huế đã sớm tìm ra chân dung kẻ lừa đảo và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng Võ Hoài Nhơn (SN 1995) và Nguyễn Thị Hương (SN 1996, trú ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) là xã có đường biên giới dài hơn 15km, giáp với nước bạn Lào, có đến 99% là người đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Hầu hết người dân bản địa mưu sinh bằng nghề trồng rừng, phương tiện đi lại là những chiếc xe gắn máy tự chế để thuận tiện cho việc di chuyển ở địa hình đồi núi. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa, địa phương lại có biên giới với nước bạn Lào nên việc đi lại của người dân cũng hết sức phức tạp. Trước thực tế này, để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, Công an xã Hương Nguyên phối hợp với người có uy tín Hồ Xuân Phòng (trú tại thôn Giồng, xã Hương Nguyên) cùng nhiều người có uy tín, già làng trong xã phối hợp đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giải thích, vận động người dân không nên sử dụng xe tự chế để lưu thông trên các tuyến giao thông nhằm đảm bảo an ninh vùng biên. “Từ khi được vận động, người dân đã chấp hành tốt hơn, tai nạn giao thông trên địa bàn xã giảm hẳn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động người dân tham gia vào các phong trào tự quản về an ninh trật tự, tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép…”, ông Hồ Xuân Phòng chia sẻ.

Sau khi được sáp nhập từ hai xã Nhâm và Hồng Quảng (đều thuộc huyện A Lưới), xã Quảng Nhâm có diện tích trên 43km2 với 8 thôn đơn vị hành chính; đường biên giới phía Tây giáp Lào với nhiều đường mòn, lối mở. Đây được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Trước tình hình đó, già làng Hồ Minh Phương ở xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới), một trong 6 người ở Thừa Thiên Huế vinh dự được công nhận là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, hải đảo là một trong những “cánh tay” nối dài của lực lượng Công an cơ sở. Thiếu tá Huỳnh Văn Quang, Trưởng Công an xã Quảng Nhâm cho biết, quá trình triển khai đề án “Chuyển hóa tình hình địa bàn A Lưới về ma túy”, già làng Hồ Minh Phương đóng vai trò đầu tàu trong các già làng về công tác vận động các già làng, trưởng các dòng họ tham gia vào mô hình “Dòng họ phòng ngừa ma túy” trên địa bàn thôn nói riêng và xã Quảng Nhâm nói chung.

Bên cạnh đó, già làng Hồ Minh Phương còn trực tiếp phối hợp cùng CSKV phụ trách thôn, quản lý H.H.H (SN 1993), đối tượng nghiện tại cộng đồng và đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hay trước vấn nạn khai thác cát sạn tại lòng suối qua địa phận xã, già làng Hồ Minh Phương thường xuyên tuyên truyền tác dụng của việc bảo vệ lòng suối, để bảo vệ đất đai hoa màu của người dân trong thôn, phối hợp với Công an xã đấu tranh, bắt xử lý các đối tượng khai thác cát trộm và đến nay, vấn nạn đó đã được xử lý triệt để.

Còn nhớ, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Bắc Sơn hoàn thành, già làng Quỳnh Rêh (bản A Đeeng Par Lieng 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) cùng với gia đình đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng 2,5m để bà con đi lại thuận tiện. Không chỉ hiến đất mở đường, già làng Quỳnh Rêh còn tự nguyện hiến luôn khu đất trồng cây keo của gia đình để xây trường mẫu giáo. Quỳnh Rêh cho hay, việc mình và gia đình bớt một ít đất để làm trường học cho con trẻ là việc đáng làm, không có gì tiếc. Điều vui sướng nhất là đã góp phần làm cho thôn bản thêm đẹp và văn minh, tạo điều kiện để con em được đến trường học văn hóa. Được biết, ngoài hiến đất làm đường, xây trường học, già làng Quỳnh Rêh còn là người nhiệt thành truyền đạt kiến thức, dạy dỗ thế hệ sau, nhất là con cháu trong gia đình trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu.

Cũng như già làng Quỳnh Rêh, nhiều già làng, trưởng bản khác ở xã Bắc Sơn cùng với cán bộ trong bản, Công an xã và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; vận động bà con tự thân vươn lên, khắc phục những khó khăn để xóa đói giảm nghèo; không để trong làng, bản, dòng họ, gia đình có hộ đói nghèo. Đặc biệt, tuyên truyền không để xảy ra tình trạng sử dụng, mua bán ma túy trên địa bàn, giữ vững trật tự xã hội, an ninh vùng biên…

Mới đây, 65 đại biểu là các già làng, người có uy tín trong cộng đồng DTTS ở các địa bàn sinh sống dọc tuyến biên giới Việt – Lào ở Thừa Thiên Huế đã có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hay trong quá trình đảm bảo an ninh vùng biên. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS sống dọc tuyến biên giới. Bên cạnh đó, các già làng, người có úy tín luôn tuyên truyền cho người dân các bản làng cảnh giác trước tình trạng di cư tự do, lừa đảo, quan hệ hôn nhân xuyên biên giới và liên khu vực… Bên cạnh đó, những người có uy tín luôn tích cực, tiên phong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội để người dân mạnh dạn tham gia, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/gia-lang-nguoi-co-uy-tin-chung-tay-dam-bao-an-ninh-vung-bien-i746718/