Già làng Ra Pát A Ray: Người gìn giữ văn hóa Cơ Tu

Ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, già làng Ra Pát A Ray là người có uy tín, có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xã hội ở địa phương. Nhiều năm qua, Gươl truyền thống trong khuôn viên nhà ông đã trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu, cũng là nơi để ông chế tác, chơi nhạc cụ và truyền dạy đánh cồng chiêng, thổi khèn… cho lớp trẻ.

Hoàn thành nhiệm vụ người lính cụ Hồ rồi trở về quê hương sau ngày giải phóng, chàng trai trẻ Ra Pát A Ray bắt đầu tham gia công tác ở địa phương với nhiều cương vị từ: Bí thư Huyện Đoàn Nam Đông đến Chủ tịch HĐND xã Thượng Long rồi Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông… Năm 2004, về nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông A Ray tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Long, rồi Bí thư Chi bộ thôn A Xăng. Ở cương vị nào, ông cũng cống hiến hết mình, gương mẫu, đi đầu trong công tác.

Cùng bà con chăm lo phát triển kinh tế để đời sống ngày càng phát triển, nhưng ông Ra Pát A Ray luôn trăn trở là nhiều nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu đang dần mai một. Đặc biệt, Gươl - nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa của người Cơ Tu và cũng là biểu tượng của sự đoàn kết và sức mạnh của bà con đã không còn hiện hữu ở các bản làng. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định dựng Gươl trong khuôn viên nhà mình. Gươl của ông được dựng theo kiến trúc đặc trưng của người Cơ Tu, lợp tranh, trang trí bằng các vật dụng đan lát. Những năm qua, Gươl trong khuôn viên nhà ông A Ray trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu, cũng là nơi ông tiếp khách quý đến thăm. Mỗi chiều, sau khi hoàn thành việc nương rẫy, ông A Ray lại ngồi trong Gươl vót tre, chẻ mây đan nong, nia, gùi, giỏ... Ông Ra Pát A Ray cho biết, ông rất vui và tự hào khi Gươl truyền thống hoàn thành, không chỉ thỏa mãn tâm nguyện của mình mà còn góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu: “Tôi luôn nghĩ, nếu mình không cố gắng thì văn hóa truyền thống của đồng bào mình sẽ mất. Tôi luôn cố gắng hết sức, còn khỏe còn làm. Tôi cũng không nhờ vả ai, tự lực dựng nên Gươl truyền thống này. Bởi tôi lo lắng, nay mình không xây dựng, mình không phát triển thì khi mình già đi rồi theo ông bà tổ tiên thì văn hóa truyền thống sẽ không còn”.

Không chỉ biết dựng Gươl, giỏi đan lát, ông Ra Pát A Ray còn có tài chơi trống chiêng, khèn và một số nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Trong những năm qua, ông A Ray đã tham gia biểu diễn trống chiêng ở các lễ hội, sự kiện văn hóa và du lịch trong và ngoài tỉnh. Những lúc rảnh rỗi, ông truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu cách đánh trống chiêng, chế tác nhạc cụ và đan lát. Ông Ta Rương Mão, công chức Văn hóa Xã hội xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông A Ray luôn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa ở địa phương. Ông Mão cho biết, mới đây, ông A Ray còn vinh dự đại diện cho huyện Nam Đông tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định năm 2023: “Ông A Ray là người rất tâm huyết với văn hóa người Cơ Tu. Ông là người hiểu biết về văn hóa Cơ Tu vừa hết lòng giữ gìn phát huy. Tuy tuổi già nhưng ông rất chịu khó. Ở địa phương chỉ có ông là có Gươl truyền thống của riêng mình. Ông rất chịu khó để làm gương cho con cháu học theo. Ở thôn A Xăng nói riêng và ở huyện Nam Đông nói chung ông A Ray có vai trò quan trọng trong việc khơi dây phong trào bảo tồn và xây dựng văn hóa đồng bào”.

Huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 xã có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống. Trong những năm qua, những già làng, người có uy tín ở địa phương đã trở thành cầu nối, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng bản làng giàu đẹp, họ còn cùng chính quyền và bà con nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 35 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, trong đó có ông Ra Pát A Ray đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Nam Đông:“Trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, sự vào cuộc của người có uy tín trong công tác vận động đạt được một số kết quả rõ nét. Thứ nhất là người dân hưởng ứng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thứ 2 là trong việc cưới hỏi, ma chay trước đây tổ chức 2 đến 3 ngày nhưng nay chỉ trong 1 ngày. Thứ 3 nữa trong thách cưới, thách hỏi thì hiện nay không còn nữa. Cái cuối cùng là tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong 3 năm gần đây, trên địa bàn 6 xã có đồng bào Cơ Tu không còn tình trạng này nữa. Đây là nỗ lực lớn, nhiệt huyết của người có uy tín trong cộng đồng người Cơ Tu”.

Vơ Ních Oang/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gia-lang-ra-pat-a-ray-nguoi-gin-giu-van-hoa-co-tu-post1054892.vov