Giá lợn hơi chạm mức cao nhất từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp sản xuất thịt bắt đầu có lãi
Trong tháng 5 vừa qua, giá lợn hơi trong nước đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay do nguồn cung suy yếu; trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm. Qua đó, giúp cải thiện triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thịt.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, giá lợn hơi trên thị trường trong nước trong tháng 5 vừa qua đã tăng 10,9% so với hồi tháng 4, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Đà tăng của giá lợn hơi chủ yếu đến từ việc sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân trong tháng 5 đã giảm xuống so với những tháng đầu năm. Đồng thời, thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đưa ra thông điệp tích cực hơn về triển vọng giá lợn hơi trong thời gian tới. Theo nhiều doanh nghiệp, những gì khó khăn nhất đối với ngành sản xuất thịt đã diễn ra trong quý 4/2022 và quý 1/2023, dự báo triển vọng toàn ngành sẽ tích cực hơn kể từ quý 3/2023.
Trên thị trường quốc tế, giá lợn hơi tại Trung Quốc trong tháng 5/2023 vẫn dao động ở mức thấp, trung bình đạt 14,25 Nhân dân tệ/kg, tăng 2,2% so với hồi tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn tới 15,4% so với thời điểm đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung trên thị trường nội địa Trung Quốc vẫn được duy trì ổn định.
Chứng khoán VNDIRECT nhận định giá lợn hơi trông nước trong quý 2/2023 sẽ tăng 9,7% so với quý 1/2023. Dự phóng giá lợn hơi trong quý 3/2023 có thể tăng tới 11,6% so với quý 2/2023 và tiếp tục tăng thêm 4% trong quý 4/2023, lên mức 62.000 – 65.000 đồng/kg vào cuối năm nay nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới khoảng quý 3/2023. Tính chung cả năm 2023, Chứng khoán VNDIRECT dự báo giá lợn hơi sẽ đạt 59.000 đồng/kg, tăng 5% so với năm 2022.
Bên cạnh việc giá bán đầu ra được cải thiện tích cực, giá thức ăn chăn nuôi đầu vào cũng đang có xu hướng giảm. Trong tháng 5/2023, giá nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, gồm: lúa mì, đậu tương và ngô trên thị trường quốc tế đã lần lượt giảm 11,4%, 12,1% và 17,6% so với tháng 4/2023. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá các loại nông sản trên đã giảm từ 10% - 20%.
Tại thị trường trong nước, giá nhập khẩu lúa mì, đậu tương và ngô trong tháng 5/2023 cũng lần lượt giảm 5,2%, 10% và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái theo giá thế giới. Chi phí nguyên liệu thô (ngô, đậu tương, lúa mì) thường chiếm từ 80 – 85% chi phí thức ăn chăn nuôi; trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất trong hoạt động chăn nuôi.
Chứng khoán VNDIRECT nhận định giá nông sản toàn cầu trong năm 2023 có thể giảm trung bình 7 – 10% so với năm 2022, kéo theo đó giá thức ăn chăn nuôi trong năm nay có thể giảm 5% so với năm ngoái. Trong đó, giá ngô và giá khô đậu tương trong năm nay được dự báo lần lượt giảm 7,9% và giảm 1,8% so với năm 2022.
Do các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước thường ký hợp đồng kỳ hạn/tương lai nên giá nhập khẩu thực tế sẽ trễ từ 3 - 6 tháng so với diễn biến giá nông sản toàn cầu. Chi phí thức ăn chăn nuôi trong nước được kỳ vọng sẽ giảm dần từ quý 2/2023.
Tuy nhiên, Chứng khoán VNDIRECT cho biết thời điểm khó khăn nhất đối với ngành sản xuất thịt Việt Nam đã qua nhưng vẫn cần cẩn trọng trong thời gian tới. Giá nông sản toàn cầu có nguy cơ tăng trở lại do xung đột quân sự Nga – Ukraine leo thang cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu nông sản chủ chốt. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt Việt Nam có thể sẽ tăng thêm từ 1 – 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay như: Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản - VISSAN (VSN) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 giảm 2% so với năm 2022; Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay lần lượt tăng 0,4% và 5% sso với năm 2022.
Trong quý 1/2023 vừa qua, các doanh nghiệp ngành thịt có chuỗi sản xuất khép kín 3F (Feed-Farm-Food) đã phải đối mặt với nhiều trở ngại do giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu dẫn đến giá lợn hơi trong quý 1/2023 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này trong quý 1/2023 đã giảm từ 4 - 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Chứng khoán VNDIRECT ước tính chi phí sản xuất bình quân của các doanh nghiệp sản xuất thịt vào khoảng 50.000-52.000/kg lợn hơi. Do đó, với mức giá hiện tại, các nhà sản xuất thịt đã bắt đầu có lãi.