Giá lúa gạo hôm nay 29/8: Đồng loạt đi lên

Giá lúa gạo hôm nay 29/8 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long biến động tăng nhẹ.

Giá lúa gạo hôm nay 29/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động theo hướng tăng 200 đồng/kg với một số giống lúa.

Theo đó, tại kho An Giang, cập nhật của Sở NN&PTNT An Giang sáng 29/8 lúa Đài thơm 8 được điều chỉnh lên 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 được điều chỉnh lên mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Giá lúa gạo trong nước hôm nay có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá lúa gạo trong nước hôm nay có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

Các giống lúa còn lại ổn định gồm: Lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Tương tự, nếp AG (tươi) giá 6.300 - 6.400 đồng/kg; nếp Long An (tươi) dao động 7.200 - 7.500 đồng/kg.

Theo các nhà máy khu vực An Giang, đầu tuần các kho hỏi mua lai rai. Các nhà máy chào bán vững giá so với cuối tuần trước. Với lúa Thu đông giá được nông dân chào nhích nhẹ, còn lúa Hè thu gần cạn nguồn, lượng còn ít, chủ yếu là Japonica và lượng ít OM18/ Đài Thơm 8.

Tại khu vực Kiên Giang, Cần Thơ, lúa Hè thu vẫn ở mức cao. Thương lái và doanh nghiệp hỏi mua đều.

Với mặt hàng gạo, hôm nay duy trì ổn định ở mức 12.250 - 12.400 đồng/kg với gạo nguyên liệu IR 504 và gạo thành phẩm IR 504 là 14.350 - 14.450 đồng/kg.

Riêng giá phụ phẩm điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá tấm IR 504 giảm còn 11.900 - 12.000 đồng/kg (giảm 100 đồng); còn giá cám khô duy trì 7.500- 7.550 đồng/kg.

Theo các thương lái, tại Sa Đéc (Đồng Tháp) lượng gạo nguyên liệu về ít, các bến vắng ghe gạo về, người mua lác đác. Giá gạo bình ổn. Trong khi đó, tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), gạo về ít, khó mua.

Tại các chợ lẻ khu vực tỉnh An Giang, giá gạo ổn định, không biến động trong tuần qua. Trong đó, nếp ruột giá 16.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thường ở mức 12.500 - 14.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen giá 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine ở mức 16.000 - 18.500 đồng/kg; Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg; Nàng Hoa 19.000 đồng/kg; gạo Sóc thường giá 16.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg…

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu hiện vẫn vững ở mức 638 USD/tấn với gạo 5% tấm và 623 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Bảng giá gạo tại tỉnh An Giang ngày 29/8/2023

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động tăng/giảm nhẹ ở một vài loại. Nhìn chung, giá lúa vẫn neo ở mức cao chưa từng có tại nhiều địa phương giúp nông dân đạt lợi nhuận khá, tích cực sản xuất, đặc biệt là vụ Thu Đông.

Còn trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giao dịch ngày 25/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn; Pakistan là 598 USD/tấn.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 8.200 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 9.000 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài thơm 8 còn ở mức 8.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định RVT là 7.400 đồng/kg; OM 5451 là 7.400 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa ở Hậu Giang lại đi lên như: IR 50404 lên 8.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 lên 8.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 9.000 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang có sự tăng/giảm tùy loại như: IR 50404 ở mức 7.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OC10 giảm 100 đồng/kg còn mức 7.000 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine ở mức 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại như, IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; OM 5451 mức 6.900 đồng/kg; Jasmine mức 7.100 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.700 đồng/kg. Riêng lúa OM 6979 ở Đồng Tháp tăng 100 đồng/kg, lên mức 8.100 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.750 – 8.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 7.800 – 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; riêng IR 50404 từ 7.7500 - 7.900 đồng/kg.

Vụ lúa Hè Thu được đánh giá là "được mùa, trúng giá", mang về lợi nhuận cho nông dân Kiên Giang khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/công (1.000 m2), cao hơn so với vụ Hè Thu 2022 khoảng 500.000 đồng/công. Diện tích lúa Hè Thu còn lại của Kiên Giang sẽ thu hoạch trong cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Còn tại Cần Thơ, mặc dù chưa bước vào thu hoạch nhưng hầu hết diện tích lúa Thu Đông của thành phố hiện nay đã được thương lái hoặc doanh nghiệp đặt cọc mua trước.

Hiện giá lúa tươi được thương lái và các doanh nghiệp đặt mua từ 7.500 đồng đến 8.000 đồng/kg, tùy từng loại giống, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 1.700 đến 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay trong vụ lúa Thu Đông tại thành phố Cần Thơ.

Với giá lúa như trên, nông dân dự kiến mỗi ha sẽ đạt lợi nhuận trên dưới 25 triệu đồng, mức lợi nhuận cao nhất trong vụ lúa Thu Đông ở Cần Thơ.

Nông dân trong tỉnh Trà Vinh đang thu hoạch tập trung lúa Hè Thu và nhanh chóng cải tạo lại đồng ruộng để xuống giống vụ lúa Thu Đông. Việc nông dân Trà Vinh khẩn trương gieo sạ lúa Thu Đông là do giá lúa đang tăng cao trên thị trường hiện nay.

Với vụ này, ngành nông nghiệp Trà Vinh khuyến cáo nông dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, tập trung xuống giống sớm nhưng phải đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng và xuống giống dứt điểm diện tích lúa Thu Đông vào cuối tháng 9/2023.

Gạo Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Gạo Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới thì thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu cú sốc mới từ quyết định áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu Chính phủ Ấn Độ. Mức thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16/10 tới.

Quyết định trên được Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo tối 25/8 nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước. Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, vốn chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.

Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới. Gạo đồ là loại gạo mà phần thóc được ngâm trong nước nóng rồi mới được gia công chế biến.

Một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết, lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ngoại trừ gạo basmati trước đó đã thúc đẩy một số khách hàng tăng mua gạo đồ và nâng giá loại gạo này lên mức cao kỷ lục.

Với mức thuế mới nhất, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ tương tự gạo từ Thái Lan và Pakistan. Người mua hiện nay hầu như không có lựa chọn nào khác.

Đại lý có trụ sở tại Mumbai chỉ ra, giá gạo toàn cầu đã bắt đầu bình ổn hơn trong vài ngày qua sau khi đã tăng hơn 25% do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vào tháng trước. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ tăng trở lại sau động thái này.

Hồi tháng 7/2023, chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Diễn biến này là vì giá ở các nước xuất khẩu gạo chủ chốt tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu./.

An Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-lua-gao-hom-nay-29-8-dong-loat-di-len/304601.html