Giá lương thực giảm trên thị trường nhưng vẫn cao trên bàn ăn

Trên thị trường toàn cầu, giá ngũ cốc, dầu thực vật, sữa và các sản phẩm nông nghiệp đã giảm đều đặn từ mức cao kỷ lục vào năm 2022. Tuy nhiên, những người bán hàng và những gia đình khó khăn vẫn đang cố gắng để chống chọi với tình trạng lạm phát.

Người dân mua thực phẩm tại Grand Market Hall, Budapest, Hungary, ngày 8/4. Ảnh: AP

Người dân mua thực phẩm tại Grand Market Hall, Budapest, Hungary, ngày 8/4. Ảnh: AP

Theo AP, một cửa hàng ở ngoại ô Nairobi, Kenya, đã giảm kích thước của những chiếc chapatis – một loại bánh mì dẹt – để tiết kiệm dầu ăn.

Trong khi đó, nhiều người dân Pakistan đang miễn cưỡng ăn chay vì họ không đủ tiền để mua các loại thịt. Còn tại Hungary, một quán cà phê đã loại bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên ra khỏi thực đơn, vì giá dầu và thịt bò tăng cao.

Giá lương thực đã tăng cao kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, làm gián đoạn chuỗi cung ứng ngũ cốc và phân bón. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, cú sốc giá đó đã kết thúc từ lâu.

Một cửa hàng hoa quả tại Kitengela, ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP

Một cửa hàng hoa quả tại Kitengela, ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP

Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực đã giảm trong 12 tháng liên tiếp, nhờ vụ mùa bội thu ở Brazil và Nga, cũng như thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở cảng Biển Đen. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đang thấp hơn so với thời điểm chiến sự bùng phát.

Tuy nhiên, giá lương thực đắt đỏ vẫn là một trở ngại của những người dân có mức sống khó khăn, gây ra tình trạng lạm phát cao trải dài từ Mỹ và châu Âu cho đến các quốc gia đang phát triển.

Ông Ian Mitchell, nhà kinh tế học và đồng Giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại London, cho biết: “Các thị trường thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đến mức bất kể bạn ở đâu trên thế giới, bạn đều cảm nhận được tác động nếu giá cả toàn cầu tăng lên”.

Nhiều yếu tố gây ra lạm phát giá lương thực

Ông Joseph Glauber, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lưu ý rằng giá của các sản phẩm nông nghiệp (như lúa mì, cam), gia súc tăng cao mới chỉ là bước khởi đầu.

“75% chi phí sẽ đến sau khi các sản phẩm này rời khỏi trang trại. Đó là chi phí năng lượng, chi phí xử lý, chi phí vận chuyển và tất cả các chi phí lao động”, ông cho biết. Ông cũng nói rằng, lạm phát lương thực “sẽ giảm, nhưng giảm từ từ, chủ yếu do những yếu tố trên vẫn đang ở mức khá cao”.

Giá lương thực tháng 3 tại Mỹ đã tăng 8,5% so với năm 2022, trong khi mức giá này tại châu Âu tăng 19,5%, còn Anh là 19,2% - mức tăng lớn nhất trong gần 46 năm.

Một cửa hàng thịt tại Grand Market Hall, Budapest, Hungary. Ảnh: AP

Một cửa hàng thịt tại Grand Market Hall, Budapest, Hungary. Ảnh: AP

Chính phủ Mỹ nhìn nhận ra một thủ phạm khác khiến giá thực phẩm tăng cao là làn sóng sáp nhập trong nhiều năm qua đã làm giảm sự cạnh tranh trong ngành thực phẩm.

Nhà Trắng năm ngoái cho biết chỉ có 4 công ty sản xuất thịt đang kiểm soát 85% thị trường thịt bò Mỹ. Tương tự như vậy, chỉ 4 công ty kiểm soát 70% thị trường thịt lợn và 54% thị trường gia cầm. Các nhà phân tích cho rằng những công ty đó có thể đã sử dụng sức mạnh thị trường của họ để tăng giá.

Tuy nhiên, ông Glauber không tin rằng việc sáp nhập trong kinh doanh nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến giá lương thực cao liên tục. Chuyên gia này nói rằng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn có thể kiếm được lợi nhuận khi giá tăng, nhưng mọi thứ thường cân bằng theo thời gian và lợi nhuận của họ cũng sẽ giảm dần trong thời kỳ khó khăn.

“Hiện có rất nhiều yếu tố thị trường, nguyên tắc cơ bản, có thể giải thích tại sao chúng ta lại có mức lạm phát như vậy. Tôi không thể đổ lỗi rằng chúng ta chỉ có một số ít nhà sản xuất thịt”, ông Glauber giải thích.

Ông nói, bên ngoài nước Mỹ, đồng USD mạnh là nguyên nhân đẩy giá cả tăng lên mức cao. Trong các cuộc khủng hoảng giá lương thực khác gần đây, như năm 2007-2008, đồng USD không đặc biệt mạnh.

“Trong khoảng thời gian hiện nay, chúng ta đang có một đồng USD mạnh và tăng giá”, ông Glauber nói.

Khó khăn trải dài trên toàn thế giới

Ở Kenya, hạn hán đã làm nghiêm trọng tình trạng thiếu lương thực và giá cả cao do tác động của chiến tranh ở Ukraine, trong khi chi phí vẫn ở mức cao kể từ đó.

Bột ngô - nguyên liệu được sử dụng chính trong nhà bếp của các hộ gia đình Kenya, đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái. Sau cuộc bầu cử năm 2022, Tổng thống Kenya William Ruto đã chấm dứt các khoản trợ cấp hỗ trợ người tiêu dùng khỏi tác động của lạm phát. Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ giảm giá bột ngô.

Cô Linnah Meuni mua bột ngô tại Kitengela, ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP

Cô Linnah Meuni mua bột ngô tại Kitengela, ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP

"Chúng tôi không có đủ tiền để ăn trưa, ăn tối trong hầu hết các ngày, vì chúng tôi còn phải trả tiền thuê nhà và học phí", cô Linnah Meuni, bà mẹ nuôi 4 con, than thở. Cô cho biết, một gói bột ngô nặng 2 kg thậm chí còn có giá gấp đôi số tiền mà cô kiếm được sau một ngày bán rau ở chợ.

Các cửa hàng nhỏ tại quốc gia này như Mark Kioko's đã phải tăng giá và đôi khi phải cắt giảm khẩu phần ăn. “Chúng tôi phải giảm kích thước chiếc bánh chapati của mình vì ngay cả sau khi tăng giá, chúng tôi vẫn bị lỗ vì giá dầu ăn vẫn ở mức cao”, cửa hàng này cho biết.

Tại Hungary, người dân ngày càng không thể đối phó với giá lương thực tăng đột biến ở EU, khi tăng lên tới 45% trong tháng 3. Để theo kịp chi phí nguyên liệu tăng cao, quán Cafe Csiga ở trung tâm Budapest đã tăng giá khoảng 30%.

Ông Andras Kelemen, chủ cửa hàng cho biết: “Đầu bếp của chúng tôi theo sát giá cả hàng ngày, nên việc thu mua nguyên liệu nhà bếp được kiểm soát chặt chẽ. Quán chúng tôi thậm chí còn loại bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên khỏi thực đơn”.

Trong khi đó, ông Joszef Varga, một người bán rau quả tại Grand Market Hall ở Budapest, cho biết chi phí bán buôn của anh đã tăng từ 20% - 30%.

Ông nói: “Những người có nhiều tiền trong ví sẽ mua nhiều hơn, trong khi người có ít tiền hơn sẽ mua ít hơn. Bạn có thể cảm thấy điều đó rõ rệt ở mọi người, họ phàn nàn rằng mọi thứ đều đắt đỏ hơn".

Người dân xếp hàng nhận bột mì miễn phí tại Peshawar, Pakistan, ngày 29/3. Ảnh: AP

Người dân xếp hàng nhận bột mì miễn phí tại Peshawar, Pakistan, ngày 29/3. Ảnh: AP

Tại Pakistan, chủ cửa hàng Mohammad Ali cho biết một số khách hàng không ăn thịt mà thay vào đó là rau và đậu. Ngay cả giá rau, đậu, gạo và lúa mì cũng tăng tới 50%.

Bà Zubaida Bibi, 45 tuổi, cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ dễ dàng, nhưng giờ giá cả mọi thứ đều tăng cao khiến cuộc sống trở nên khó khăn”. Bà Bibi đang làm giúp việc với mức lương chỉ 8.000 Rupee Pakistan (30 USD) một tháng.

Trong tháng này, bà đã đứng xếp hàng để nhận bột mì miễn phí từ chính phủ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. “Chúng tôi cần mua nhiều thứ khác, nhưng chúng tôi thậm chí còn không có đủ tiền để mua thức ăn cho con mình”, bà nói.

Người góa phụ này kể rằng em trai là Sher Khan cũng hỗ trợ tài chính cho bà. Tuy nhiên, chính ông ấy cũng đang gặp khó khăn vì chi phí nhiên liệu tăng cao, có thể buộc ông phải đóng cửa quán trà ven đường.

“Lạm phát gia tăng đã phá hỏng ngân sách của tôi. Tôi kiếm được ít hơn, nhưng phải chi tiêu nhiều hơn”, ông Sher Khan cho biết.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-luong-thuc-giam-tren-thi-truong-nhung-van-cao-tren-ban-an-post21010.html