Giá mà được 'bội thực' niềm vui!
Bống vẻ mặt tiu nghỉu, bánh kẹo không ăn, hoa quả thì lắc đầu không thích. Vợ chồng tôi nhìn nhau thấy thương con và thương bọn nhỏ. Chả là năm ngoái do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên dù là Tết trung thu nhưng từ người lớn đến trẻ con đều hạn chế ra khỏi nhà vì lo sợ dịch bệnh.
Năm nay, vừa đi khai giảng về, Bống líu lo khoe với cả nhà: “Mẹ ơi, lớp con sẽ tổ chức Trăng rằm phá cỗ đấy, mấy hôm nữa cơ".
Lát sau, ba Hòa về vừa dựng chân chống xe xuống đã gọi: “Bống ơi, năm nay cơ quan ba cải tiến nhé. Các cô chú đoàn viên sẽ tổ chức một đêm trung thu hoành tráng cho các con”. Bống vui ra mặt. Năm nay Bống tha hồ đùa nghịch, không phải buồn thiu đội mặt nạ đi ra đi vào nhìn gương ngắm mình.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, bà Minh, tổ trưởng tổ dân phố nói từ đầu ngõ: Mẹ Bống đâu rồi, năm nay tổ dân phố đang có kế hoạch tổ chức đêm hội trăng rằm cho các cháu thiếu nhi. Trước là bà đến từng hộ gia đình, vận động mọi người quyên góp tiền để các cháu có buổi lễ rôm rả hơn, sau là lấy danh sách từng cháu để chuẩn bị quà. Bống học hát ở nhà văn hóa, hôm đó có đăng kí tiết mục nào không? Bà Minh quay sang hỏi Bống, còn Bống thì ngượng ngùng ấp úng: Cháu... hát bài, à, để cháu nghĩ thêm ạ!.
Bà Minh ra về, Bống vừa nhảy chân sáo vừa hát: “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan!”.
Ba Hòa nhìn thấy thế tủm tỉm cười: Hóa ra bọn trẻ cũng bị lây nhiễm trào lưu “bội thực” sau COVID. Bố mẹ thì đi họp lớp, họp khóa, họp tổ... thậm chí họp bàn. Tính sơ sơ Bống tham dự khoảng 5 hoạt động trung thu. Trung thu ở lớp, ở trường, ở cơ quan bố, cơ quan mẹ và ở cả tổ dân phố. Đó là chưa kể một số cuộc phát sinh thêm từ phía mấy gia đình thân thiết nữa nhé. Vợ đã chuẩn bị ngân sách đóng góp chưa?
Chẳng để ý đến những câu nói của ba, Bống cứ vui như Tết, Bống thấy mình thật sướng, thật quan trọng vì được chơi thoải mái, được gặp các anh chị, tham dự đủ mọi nơi.
Nhưng tiếc là vài ngày trước Trung thu mưa to đâu mà to, nước cứ trút như thác xuống. Mọi người bì bõm lội qua con ngõ lẩm nhẩm: Gớm lâu lắm, chả thấy bao giờ mà mưa to thế này đâu. Bống mặt buồn hẳn xuống nói đúng giọng “cụ non”: Ông giời hay thật, đến ngày Tết của các cháu mà mưa mãi chả chịu tạnh. Ông thương các con thì cho trời nắng đi nhé.
Ấy thế mà hôm nay, đúng ngày rằm, mở mắt dậy là Bống ngó qua cửa sổ reo lên: Nắng lên rồi, nắng lên rồi. Nhiều người vẫn so sánh về cái sự hồi hộp, háo hức, chờ đợi khác nhau giữa thế hệ này và thế hệ khác. Ngẫm lại mới thấy, đúng là bọn trẻ không còn sự háo hức như chúng tôi trước đây, từ ngày khai trường, vui tết trung thu, nhận tiền lì xì. Bởi, trẻ con hiện nay quá sung sướng, quá đủ đầy, chúng làm gì còn thời gian để đi phơi khô từng hạt bưởi, tìm cắt từng trang báo, rồi ngồi kì cạch gọt rũa từng nan tre... Mà nếu chúng có muốn chắc gì bố mẹ đã đồng ý? Tuy vậy, với trẻ nhỏ, niềm vui thì vẫn luôn hiện hữu trên ánh mặt nụ cười. Những ánh mắt thích thú ồ lên mỗi khi nhìn thấy một chiếc đèn lồng rực rỡ, những sự thèm thuồng chờ đợi được phá mâm cỗ, dù nhà lúc nào cũng đầy hoa quả bánh trái; những cái cười thỏa thích khi được hơn bạn một quả na, một cái kẹo mút, hay đơn giản là một buổi tối không phải ngồi vào bàn học đúng giờ...
Thời nào cũng vậy thôi, trẻ con thích nhất là được chơi với bạn bè, được ăn ngon, mặc đẹp, được có bố có mẹ bên cạnh quan tâm, chăm sóc. Ngủ trưa dậy là Bống mang bộ váy hồng công chúa ra mặc, rồi đeo bờm thỏ, tay xách đèn ông sao... chạy sang hàng xóm, vừa hát vừa múa tung tăng: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bươm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng”.
Tiếng cười vốn là liều thuốc bổ. Tiếng cười của bọn trẻ như dòng suối ngọt ngào chảy trôi vào ngóc ngách của những tâm hồn khô cằn, làm lao xao cuộc sống buồn tẻ, làm thế giới của người lớn đẹp hơn, có ý nghĩa hơn... Giá như một năm có thêm vài ngày tết cho bọn trẻ, giá như được “bội thực” niềm vui như những ngày này, chắc chắn bọn trẻ sẽ luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự yêu thương không chỉ từ phía gia đình, mà còn từ cả xã hội.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/gia-ma-duoc-boi-thuc-niem-vui/25053.htm