Theo đó, hàng năm đến mùa na Chi Lăng chín rộ, để quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm na Chi Lăng, UBND huyện Chi Lăng sẽ phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến thương mại, tạo và nâng cao chất lượng đầu ra cho na Chi Lăng.
Vào ngày 14/8, UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã tổ chức họp báo thông tin về lễ hội na Chi Lăng năm 2023.
Ngày 14/8, UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn tổ chức họp báo Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng (10/10) - gắn với Đền Chi Lăng; mùa na Chi Lăng năm 2023.
Theo thông tin từ UBND huyện Chi Lăng, na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha. Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Phùng Văn Nghĩa, phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Giá na dai năm nay, khi đã trực tiếp tham khảo ở các hộ dân, bán tại vườn là 30-35 nghìn/1kg. Còn tại các hợp tác xã sau khi thu mua lại sẽ đóng gói, phân loại ra, vào khoảng 65 nghìn/1kg. Giá này tương đối cao hơn so với năm trước. Hiện tại, huyện Chi Lăng rất mong quả na có thể xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, bởi hiện tại na chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong nước".
Tháng 8 hàng năm, na Chi Lăng lại vào vụ, người dân lại nhộn nhịp hái những quả na mọc trên núi đá vôi, bán cho các thương lái, khách hàng khắp nơi đổ về.
Theo ghi nhận của PV, những ngày này tại các vườn na ở huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) rất nhộn nhịp. Người dân liên tục hái na, di chuyển bằng xe máy đưa ra vườn nhập cho các thương lái, hoặc người mua đã đặt trước.
Hầu hết các vườn na ở đây đều theo tiêu chuẩn VietGap, tại mỗi vườn đều có bảng tên, chủ vườn, diện tích, số cây và số điện thoại.
Là 1 chủ vườn na bở, có khoảng 700 gốc cây. Ông Lê Hải Dũng – vườn na số 6, thị trấn Đồng Mỏ (Lạng Sơn) những ngày này, đều đặn mỗi sáng đến vườn hái hơn 1 tạ na bở đưa đi cho khách đã đặt trước.
Ông Lê Hải Dũng cho biết: “Trung bình mỗi năm trước tôi bán được khoảng 6 tấn na, nhưng năm nay chắc phải hơn. Bởi năm nay các cây na không bị rụng quả như các năm trước và trung bình ngày nào cũng đều có khách đặt mua na qua điện thoại. Bình quân mỗi ngày hơn 1 tạ na được bán, có ngày hơn 2 tạ.”
“Mặc dù na bở rất khó khi chăm sóc, nhưng đổi lại giá thành sẽ gấp đôi na dai. Năm nay giá na bở cao hơn năm trước, khoảng 120 nghìn/1kg, chắc chắn sẽ không bao giờ có na ế.” – chủ vườn na ở huyện Chi Lăng, Lạng sơn nói.
Các dây tời bằng sắt từ trên các đỉnh núi được người dân sử dụng vận chuyển na nhanh chóng, tránh làm hư hại, ảnh hưởng đến quả na khi thu hoạch.
Ngoài ra các bẫy ruồi vàng gây hại cho na được đặt ở từng cây, cũng đã góp phần cho việc thu hoạch na thêm năng xuất.
Được biết, na Chi Lăng được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Tháng 8 hàng năm - thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Quang Hùng