Giá nào cho danh tiếng

Chiếu trải trên mặt sân bê tông của một căn hộ tồi tàn thời bao cấp. Những cụm từ này, có lẽ đã gợi lên mùi vị của khốn khó mà không cần mô tả thêm.

Con trai của nhà văn ngồi bần thần với cốc rượu. Anh ta đã ở tuổi tri thiên mệnh, biết nhiều và nghĩ cũng không ít. Lại là một thầy giáo đại học, không xoàng, không vô danh. Luôn nói về người cha danh tiếng của mình bằng giọng nhát gừng: “Tôi ước bố tôi là người bình thường”. “Tôi không ao ước nối nghiệp bố”. “Tôi sợ hãi cuộc sống của những đứa con có bố là nhà văn”.

Có lẽ không phải lần đầu anh ta thốt ra những câu ấy. Bởi chiếc chiếu cũ mèm, cái cốc rượu trầm tư bên dáng ngồi mẫn cảm ưu phiền, bởi đèn đường tù mù và mùi vị khốn nạn đói rách của toàn bộ thủ đô khi đó. Vừa đáng ngạc nhiên, vừa không.

Một người con của một người danh tiếng khác, con gái. Cô bé sống với môt núi sách, cô thở với sách và ngôn từ trẻ con của cô nghe đậm mùi sách. Bạn bè của cha cô đắc ý, hầu như ai cũng tiên đoán, lớn lên bé sẽ viết văn, khôn trước tuổi như thế, sắc sảo sớm thế, lạ thường như thế, lẽ nào…?

Biến cố đời thường của cha mẹ, cũng rất là đời thường của văn nghệ sỹ: ly dị! Ai ngoại tình trước, không cần biết, chỉ biết cuối cùng là cô bé sống với cha. Những tưởng tố chất ấy, bi kịch tuổi thơ ấy, cô bé sẽ sớm viết văn. Nhưng, cô đã tránh cái nghề “thổ tả” ấy, kiên quyết tránh, chỉ làm biên tập viên cho một nhà xuất bản. Vẫn trong quỹ đạo chữ nghĩa, nhưng đây là kiểm chữ gọt chữ của người khác chứ chữ của mình, có thể không được viết ra, rồi nó sẽ như mầm cây, không nảy nở dưới ánh trời, nó chết non trong tim trong não của cô.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vài người bạn (từng nức nở khen cô bé) rỉ tai với người viết bài này, rằng mẹ cô bé giờ phải kiếm sống bằng nghề ô-sin. Có thể đó là nỗi đau, hoặc là nỗi tổn thương mà cô bé đã cố gượng dậy nhưng thực chất, lòng cô đã chối từ vinh quang của người cha, bởi vì song hành với điều đó là cay đắng, không nói nên lời.

Một người con khác của một nhà văn khác. Cậu không nhớ rõ bị kịch giáng xuống đời mình khi nào. Hình như nó dàn ra, kéo dài, bắt đầu mơ hồ và kết thúc thì mông lung, chưa rõ. Tuần nào, sau này thì hầu như ngày nào bố cũng có người lân la đến để chiêm ngưỡng, để được lắng nghe, để được khen lấy khen để, để và để… Đàm đạo, trà rượu, cơm nước, khi cậu bé đeo cặp sách lên lưng, cũng có người ghé theo bình phẩm, khen tặng. Đến khi cậu đi học về, đám người ấy hoặc là một đám khác đã đến thay chỗ, tiếp tục tấm tắc cậu.

Họ dành cho bố cậu mọi từ, hết mức, hết cả kho từ. Cậu hay lấy làm lạ sao mẹ không chịu ngồi cùng bố, sao mẹ luôn đứng lên ngồi xuống, sao mẹ như bị trời đày giữa cái bếp rười rượi và phòng khách rộn rã của bố? Ở trường, thầy cô và đám bạn còn tò mò và tung hô mình, từ tiếng tăm của bố! Một đứa con như thể bọc bằng kén vàng. Cậu buông tay cho mọi sự, đê mê, những lời khen đê mê không thua gì thuốc phiện. Và thế là…người đời đã có thể hình dung.

Một cô bé khác, cũng thở với mùi sách, cũng sắc sảo hơn tuổi, cũng nhân văn thấu đáo kiểu con nhà nòi. Nhưng từ sớm cô bé đã chầy chống với danh xưng con gái nhà văn bằng cách tạo cho mình một hàng rào bất khả xâm phạm. Không ghi khắc những lời khen, không chú tâm đến tiên tri, không ảo tưởng danh tiếng. Giỏi văn, yêu văn chương nhưng chọn việc nội tướng, sự nghiệp là hạnh phúc, là chồng bình an, con cái ngoan lành, tự lập, cháu có nối nghiệp ngoại không, tùy. Như thể có phòng vệ, cô tự tiêm chủng sớm và cô an toàn dù cha mẹ đã ly dị khi cô còn bé (tặc lưỡi, người thường ly dị đầy ra, huống chi cái bệnh thay vợ đổi chồng của văn nghệ sỹ thế gian!).

Đơn cử vài ba trường hợp để thấy rằng cái giá của danh tiếng không phải chỉ có ở lời đồn. Vì sao danh tiếng thường phải trả giá? Đơn giản bởi vì ai cũng muốn có danh, giữa thiên hạ, giữa đất trời, giữa núi sông. Thế giới con gà còn biết tranh nhau nữa là. Nhưng, chữ nghĩa là thiên phú, trời cho nhiều sẽ được nhiều. Nhưng phàm là, trời không cho ai tất cả, được nhiều thì rủi ro cao, cô độc cả một đời người đó, chưa đủ, những người thân còn phải thiệt lây.

Cũng rất đơn giản rằng, hạnh phúc sẽ không mỉm cười với những gia đình nức tiếng. Chồng như ốc đảo, vợ như kẻ chầu rìa mỗi ngày, vợ yêu, vợ biết quý giá trị tinh thần, vợ sẽ thui thủi nâng niu tài sản có tên là “người chồng danh tiếng”. Nhưng những đứa con non dại dưới bóng rợp thì tưởng mình rất khác thường, rất đặc biệt và tưởng sẽ kế thừa tầm vóc vĩ nhân.

Một thứ quy luật nghiệt ngã, đau đớn, chừng như không riêng ở xứ tiểu nhược này.

Dạ Ngân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gia-nao-cho-danh-tieng-38618.html