'Già néo đứt dây'

Pháp tiếp tục những nỗ lực khó khăn trong vai trò trung gian, nhằm làm dịu căng thẳng giữa Iran và Mỹ, sau khi Paris đã không thể 'thiết kế' một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và người đồng cấp Iran H.Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua. Mỹ và Iran vẫn có những động thái nhằm 'nắn gân' lẫn nhau, trong khi tình hình vùng Vịnh diễn biến phức tạp.

Bình luận quốc tế

Sau những nỗ lực ngoại giao chưa thành công, Bộ trưởng Ngoại Pháp Le Drian nhấn mạnh, Iran và Mỹ chỉ còn hơn một tháng để bắt đầu cuộc đối thoại về giảm căng thẳng ở Trung Đông, trước khi Tehran có thêm động thái gia tăng các hoạt động hạt nhân. Bình luận này được đưa ra sau khi có tin Tổng thống Iran H.Rouhani từ chối nhận cuộc gọi điện thoại từ Tổng thống Mỹ D.Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York hồi cuối tháng 9. Cuộc gọi được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Pháp E.Macron tiến hành các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tổ chức một cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran. Ông Le Drian thừa nhận, các sáng kiến của Pháp nhằm làm giảm nguy cơ xung đột tại Trung Đông vẫn chưa thành công. Ông kêu gọi cả Iran và Mỹ hành động trước ngày 6-11 tới, thời hạn chính quyền Tehran có thể tiếp tục từ bỏ thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Tổng thống Iran Rouhani chỉ trích người đồng cấp Mỹ D.Trump đã khiến những nỗ lực ngoại giao của Pháp thất bại, khi chỉ trong vòng 24 giờ, nhà lãnh đạo Mỹ hai lần tuyên bố gia tăng trừng phạt Iran. Theo Tổng thống Iran, đây là lý do khiến ông không thể chấp thuận một cuộc tiếp xúc hay điện đàm với người đứng đầu Nhà trắng. Những thông điệp mà Iran nhận được từ Mỹ về các lệnh trừng phạt đã hủy hoại khả năng giới chức hai nước có thể tổ chức các cuộc đàm phán song phương. Tổng thống H.Rouhani nhấn mạnh, việc Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố tăng cường các lệnh trừng phạt, trong khi các cường quốc châu Âu khẳng định với Tehran rằng Nhà trắng sẵn sàng đàm phán, là không thể chấp nhận.

Mặc dù Iran tuyên bố ủng hộ việc các cường quốc châu Âu thúc đẩy nỗ lực để dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Tehran với Washington, song mặt khác Iran đang tìm cách tiếp cận riêng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Iran với phương Tây vẫn gay gắt. Tổng thống Rouhani đã có cuộc gặp đáng chú ý với người đồng cấp Nga V.Putin bên lề Hội nghị cấp cao Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) tại Armenia mới đây. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sáng kiến của nước Cộng hòa Hồi giáo nhằm duy trì an ninh tại Eo biển Hormuz, tuyến đường biển chiến lược ở vùng Vịnh. Với kế hoạch hòa bình mang tên “Nỗ lực vì hòa bình cho Hormuz” (viết tắt là HOPE), nhà lãnh đạo Iran muốn giành sự ủng hộ của Nga trong nỗ lực bảo đảm an ninh tại eo biển quan trọng này, nhằm đáp trả kế hoạch an ninh của Mỹ, trong đó Washington kêu gọi tập hợp một liên minh riêng do Mỹ đứng đầu nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz và các vùng biển khác tại vùng Vịnh. Đến nay, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út, Anh, Australia và Bahrain tuyên bố tham gia liên minh này. Trong khi đó, một số nước vốn được coi là đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Iraq đã từ chối lời đề nghị của Washington.

Trong kế hoạch an ninh của Iran, Tehran cho rằng tất cả các quốc gia vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và Liên hợp quốc đều có thể tham gia HOPE và Tehran sẵn sàng đối thoại với các nước trong khu vực về một liên minh để thiết lập hòa bình. Nhằm khẳng định vai trò ở khu vực, Iran tuyên bố đang trong tiến trình xây dựng một kho cảng dầu trên biển Oman. Qua đó, cho phép Tehran mở một đường ống dẫn dầu dành cho việc xuất khẩu dầu thô của nước này và cho phép các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz không mất thêm thời gian di chuyển. Iran hối thúc các nước trong khu vực phối hợp giải quyết các vấn đề của khu vực, mà không có sự can thiệp của bên ngoài.

Những động thái mạnh mẽ từ phía Iran được đưa ra nhằm khẳng định thái độ không khoan nhượng của Tehran trước biện pháp “cây gậy” mà Mỹ sử dụng nhằm đối phó Iran. Một mặt tuyên bố ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của châu Âu, nhất là Pháp, nhằm thực hiện cam kết bảo vệ lợi ích của Iran, mặt khác Tehran vẫn dọa “cắt giảm sâu hơn” các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân nhằm đáp trả Mỹ siết chặt trừng phạt.

Trong bối cảnh mối đe dọa an ninh ở vùng Vịnh chưa được loại bỏ, Mỹ và Iran cần các biện pháp xây dựng lòng tin đích thực mới có thể “hạ nhiệt” căng thẳng. Những động thái đáp trả mạnh mẽ lẫn nhau chỉ khiến tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu và đẩy hai bên vào tình trạng “già néo đứt dây”.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41802302-%E2%80%9Cgia-neo-dut-day%E2%80%9D.html