Giá nhà leo thang, người trẻ 'chới với'
Giấc mơ an cư lập nghiệp của người trẻ Việt đang ngày càng xa vời khi giá nhà tăng chóng mặt trong khi thu nhập vẫn còn hạn chế.
Giá bất động sản Việt Nam vượt mặt nhiều cường quốc
Hội nghị "Bất động sản Việt Nam (VRES) 2024 do Batdongsan.com.vn tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội, đã hé lộ một bức tranh đầy sôi động về thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, trong vòng 5 năm qua, giá bán nhà đất tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng 59%, vượt qua nhiều quốc gia phát triển như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%) và Singapore (37%).
Tuy nhiên, đi kèm với mức tăng trưởng chóng mặt này là lợi suất cho thuê tương đối khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Úc và Mỹ, nơi con số này dao động từ 5-7%.
"Ba yếu tố chính đã thúc đẩy giá bất động sản Việt Nam tăng trong những năm qua là kinh tế, quản lý và xã hội", theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn.
Ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá: “Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng”.
Cụ thể, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 34,8%, cao hơn trung bình thế giới (20,8%) và các nước đang phát triển (22%). Hiện tại, môi trường lãi suất ở Việt Nam đang dần trở về mức thuận lợi hơn và tỷ trọng tài sản tích trữ trong GDP của Việt Nam khá cao (32,8%), đứng thứ 27 trên thế giới (trung bình 27,1%).
Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm. Trong khi kênh đầu tư vàng nhiều biến động, rủi ro và có chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, Kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, trong khoảng 9 - 13%/2 năm.
Đáng chú ý, theo Batdongsan.com.vn, bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua với tỷ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý IV/2024 (so với quý I/2015).
Yếu tố thứ hai, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỉ trọng thuế bất động sản trong GDP của Việt Nam đang ở mức 0,03%, thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%), Hàn Quốc (4%).
Theo ông Quốc Anh, tham khảo từ một số quốc gia nổi bật trên thế giới, có thể thấy thuế bất động sản được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc phù hợp. Điểm nhìn cho Việt Nam nằm ở việc tồn tại nhiều thách thức từ lý thuyết đến áp dụng thuế bất động sản phù hợp.
Cuối cùng là yếu tố xã hội. Dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho thấy nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu bất động sản. Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ. Ngoài ra, về mặt văn hóa, người Việt Nam có nguyện vọng lớn với việc sở hữu bất động sản trong đời.
Người trẻ Việt bao giờ mới chạm tới giấc mơ an cư?
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nếu so sánh lương trung bình và giá nhà của thời xưa và nay, có thể thấy không riêng gen Z hiện nay mà người trẻ Việt, dù ở thời buổi nào cũng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.
Theo đó, ở thời điểm năm 2004, với GDP bình quân đầu người khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, một người trẻ thế hệ 7X mất khoảng 31,3 năm làm việc, tích cóp để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60m2, giá bán khoảng 600 triệu đồng/căn, điều kiện lãi suất huy động 7,4%/năm.
10 năm sau (thời điểm năm 2014), với GDP bình quân đầu người khoảng 5,5 triệu đồng/người, một người trẻ thế hệ 8X cần làm việc, tích cóp 22,7 năm để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60m2, giá bán khoảng 1,5 tỉ đồng/căn, lãi suất huy động khoảng 6%/năm.
Đến năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên (giá 3 tỷ đồng) trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%. Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà.
Mười lăm năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Anh Đào Tuấn đã gắn bó với Hà Nội từ những ngày còn là sinh viên mới ra trường. Những ngày đầu, anh phải đối mặt với nhiều khó khăn: đồng lương ít ỏi, căn phòng trọ chật hẹp. Dù công việc ngày càng ổn định, thu nhập tăng lên, giấc mơ sở hữu một căn nhà tại Hà Nội vẫn còn xa vời.
Giấc mơ về một tổ ấm riêng, một nơi để trở về sau những giờ làm việc căng thẳng, luôn thôi thúc anh Tuấn cố gắng. Bao năm qua, anh Đào Tuấn đã cố gắng tiết kiệm từng đồng, chi tiêu hợp lý, nhưng giá nhà Hà Nội cứ leo thang không ngừng, khiến mọi nỗ lực của anh vẫn còn xa vời.
Không chỉ mình anh Đào Tuấn mà còn nhiều bạn làm việc không ngừng nghỉ, hy sinh những thú vui để dành dụm, nhưng vẫn chưa thể chạm tới ước mơ của mình.
Theo báo cáo của Savills, thị trường bất động sản Việt Nam trong thập kỷ qua chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giá nhà tại đây tăng trung bình từ 10% đến 15% mỗi năm. Song song đó, mức thu nhập của người trẻ, đặc biệt là những người mới bắt đầu sự nghiệp, lại không thể đuổi kịp tốc độ tăng của giá nhà. Khoảng cách giữa nhu cầu sở hữu nhà và khả năng tài chính của họ ngày càng bị giãn rộng.
Các chính sách hỗ trợ nhà ở hiện hành, dù có, vẫn chưa đủ sức để giải quyết bài toán này. Điều kiện để tiếp cận các gói vay ưu đãi thường khá khắt khe, đòi hỏi người mua phải có thu nhập ổn định trong nhiều năm liền, một yêu cầu quá sức với nhiều người trẻ làm việc tự do hoặc trong các ngành có thu nhập không cố định.
Trước thực trạng trên, giấc mơ an cư lập nghiệp của giới trẻ đang trở nên xa vời. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với những điều chỉnh hợp lý của thị trường bất động sản. Chỉ khi đó, giấc mơ sở hữu một căn nhà của những người trẻ mới có thể trở thành hiện thực.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gia-nha-leo-thang-nguoi-tre-choi-voi-158384.html