Gia nhập Hiệp định CPTPP: Nâng cao vị thế Việt Nam trên thị trường quốc tế
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Gia nhập CPTPP góp phần nâng cao vị thế Việt Nam
Trước khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước đã có Tờ trình đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ( Hiệp định CPTPP). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, ngày 01/02/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP, sau đó tiến hành đàm phán một chiều với cam kết mở cửa thị trường mới.
Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP. Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.
Đánh giá tác động của việc này, Phó Chủ tịch nước cho biết Việt Nam và Anh đã có quan hệ FTA song phương, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương.
Đặc biệt, việc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để chúng ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Mỹ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ở góc độ đa phương, việc này sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu.
Về tác động về kinh tế, Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Về các thách thức, Phó Chủ tịch nước cho hay Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Điều này đặt ra yêu cầu cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu khi phải đáp ứng tiêu chuẩn lưu hành nội địa. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, kể từ khi khởi động đàm phán vào tháng vào tháng 6/2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức và 5 phiên đàm phán trực tiếp, ngày 31/3/2023, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
Về phía Việt Nam, chúng ta đã đạt được các mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh có cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định, và thậm chí cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước khác, cũng như cao hơn so với cam kết của Vương quốc Anh cho Việt Nam trong FTA song phương (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với ta.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình việc phê chuẩn để Anh tham gia CPTPP. Ông Ngân cho rằng, sau 5 năm khi tham gia CPTPP, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định liên quan tới thương mại và thể chế, mặc dù so với kỳ vọng và mong đợi vẫn chưa đạt yêu cầu.
Đối với thị trường Anh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, đây là thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và tiêu chí xanh. Vì vậy, để phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi ích mang lại, cần làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thực tế việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp còn thiếu hụt nên nếu có thêm các thông tin sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường. Cần có gói chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hiệp định này để chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị sau khi Quốc hội phê chuẩn, cần đẩy mạnh thông tin về lợi thế của Hiệp định CPTPP với Hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Anh để doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn đối với các hiệp định, từ đó gia tăng hơn nữa các lợi ích.
Ủng hộ việc gia nhập Hiệp định CPTTP, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, sau khi có Hiệp định EVFTA và CPTPP, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu chuyển đổi công nghệ rất nhanh. Họ phải chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang chế biến tinh, giúp mang lại lợi ích lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cũng cho biết, việc Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư, và nếu đến ngày 16/10/2024 có đủ 6 thành viên của CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục phê chuẩn, thì Văn kiện sẽ có hiệu lực sau 60 ngày đối với các nước đã phê chuẩn (tức ngày 16/12/2024).
Điều đó cũng thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả này sẽ thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Anh nói riêng và giữa CPTPP với Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động khi Văn kiện có hiệu lực, so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Văn kiện; ban hành Nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh.