Gia nhập NATO: Canh bạc nguy hiểm của Ukraine có thể châm ngòi Thế chiến III
Việc Ukraine gia nhập NATO không chỉ là bước tiến chính trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện với Nga. Moscow có thể xem đây là hành động tuyên chiến kéo căng thẳng leo thang, tái định hình cán cân an ninh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Khi cán cân địa chính trị tiếp tục dịch chuyển, một câu hỏi mang tính sống còn được đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine chính thức gia nhập NATO, đặc biệt trong bối cảnh nếu đảng Dân chủ quay lại nắm quyền tại Nhà Trắng và Washington từng công khai ủng hộ tư cách thành viên của Kiev?
Ukraine và lằn ranh đỏ của NATO
Tác động của một quyết định như vậy sẽ vô cùng sâu sắc, nhất là khi đặt trong bối cảnh lịch sử hành vi gây hấn của Nga. Chắc chắn, điện Kremlin sẽ phản ứng dữ dội. Bởi ngay từ đầu, lý do căn bản khiến Nga phát động chiến sự chính là để ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO. Do đó, việc Ukraine gia nhập khối quân sự này không chỉ là một động thái ngoại giao mà còn là đòn thách thức trực diện đối với vùng ảnh hưởng chiến lược mà Nga luôn xem là bất khả xâm phạm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã coi NATO như một mối đe dọa hiện hữu, một liên minh quân sự ngày càng áp sát biên giới và phá vỡ quyền lực của Moscow trong không gian hậu Xô Viết. Cách Putin biện minh cho các hành động quân sự luôn xoay quanh luận điệu rằng NATO đang bóp nghẹt an ninh nước Nga.

Quân nhân Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga tại khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Việc sáp nhập Crimea năm 2014 và sự hậu thuẫn các phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine không chỉ là biểu hiện của tham vọng lãnh thổ, mà là những bước đi được tính toán kỹ lưỡng nhằm gửi đi thông điệp răn đe phương Tây rằng: "bất kỳ nỗ lực nào nhằm kéo Ukraine vào quỹ đạo NATO sẽ phải trả giá đắt".
Nếu Mỹ quyết định ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine, đó sẽ là một bước ngoặt mang tính đối đầu. Nó không chỉ củng cố liên minh giữa Kiev và phương Tây, mà còn đẩy trực tiếp NATO vào cuộc chiến chiến lược với Nga. Moscow có thể sẽ coi đây là hành động thù địch, kéo theo một loạt phản ứng từ gia tăng triển khai quân đội, chiến tranh mạng cho đến các hành động quân sự mới tại Ukraine.
Nga có thể leo thang quân sự nếu NATO mở cửa cho Ukraine
Dựa vào tiền lệ, có thể dự đoán rằng Nga sẽ không ngần ngại dùng vũ lực nếu nhận thấy lợi ích cốt lõi bị đe dọa. Cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine chính là bằng chứng. Nếu NATO thực sự mở rộng cánh tay chào đón Ukraine thì Moscow có thể coi đó là lời tuyên chiến và điều này sẽ dẫn tới khả năng leo thang lớn trên toàn khu vực Đông Âu. Viễn cảnh NATO bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, với điều khoản phòng thủ tập thể (Điều 5) được kích hoạt, không còn là điều phi thực tế.
Dù trên lý thuyết không có rào cản pháp lý nào ngăn NATO tiếp nhận một quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ hoặc đang trong thời chiến, nhưng các chuẩn mực chính trị lâu nay đã phát triển theo hướng ưu tiên ổn định. Việc kết nạp Ukraine, một quốc gia đang đối đầu quân sự toàn diện với Nga, sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và có thể gây chia rẽ nội bộ NATO.
Sự phản đối từ các thành viên hiện tại như Hungary càng làm phức tạp vấn đề. Budapest đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về vấn đề quyền của cộng đồng người Hungary tại Ukraine và các mâu thuẫn lịch sử. Những bất đồng như vậy khiến việc đạt được đồng thuận trong nội khối trở nên khó khăn, đẩy Kiev vào thế khó, bất chấp sự ủng hộ từ các cường quốc trong khối.
Ngay cả khi vượt qua các rào cản chính trị và pháp lý, việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ làm thay đổi toàn diện cấu trúc an ninh của châu Âu. Các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu vốn luôn cảnh giác với Nga, sẽ đối mặt với mối đe dọa rõ ràng hơn, dẫn tới làn sóng tăng cường chi tiêu quân sự và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Về mặt kinh tế, hậu quả cũng sẽ không nhỏ. Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine vào năm 2022, Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Việc Ukraine gia nhập NATO chắc chắn sẽ lại kéo theo các lệnh trừng phạt mới, thậm chí còn khắc nghiệt hơn đối với Nga. Điện Kremlin có thể đáp trả bằng các đòn phản công nhằm vào nền kinh tế phương Tây, thông qua vũ khí hóa năng lượng, các cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin. Nguy cơ chiến tranh kinh tế sẽ leo thang, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Ukraine có mở ra cánh cửa khủng hoảng khi gia nhập NATO?
Trong bối cảnh toàn cầu đang quay cuồng với biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế, một cuộc đối đầu quân sự toàn diện giữa Nga và NATO sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Nó cũng tạo ra một tiền lệ nguy hiểm rằng, bất kỳ hành động gây hấn nào, nếu đủ liều lĩnh có thể sẽ khiến các liên minh phải nhượng bộ hoặc leo thang theo.
Vậy phương Tây nên làm gì trước bàn cờ đầy rủi ro này? Dù lương tri đạo đức buộc phải đứng về phía Ukraine, nhưng sự khôn ngoan chiến lược đòi hỏi phải tính toán kỹ những hậu quả địa chính trị khi Ukraine gia nhập NATO. Không ai muốn chiến sự được mở rộng nhưng họ cũng chẳng thể ngồi im nhìn Nga mặc nhiên áp đặt vùng ảnh hưởng bằng sức mạnh.
Điều phương Tây cần thiết nhất lúc này là một chiến lược “song hành”, vừa là hậu phương vững chắc cho Ukraine thông qua việc hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao lại vừa phải duy trì các kênh đối thoại chiến lược với Nga. Một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu cần được vạch ra một cách rõ ràng, trong đó việc bảo vệ chủ quyền của Ukraine phải đi kèm với việc giải quyết những lo ngại an ninh chính đáng của Moscow.
Xét cho cùng, việc Ukraine gia nhập NATO có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng lớn nếu không được xử lý khéo léo. Dưới một chính quyền Dân chủ, Washington có thể dễ nghiêng về phương án kết nạp Kiev, nhưng cần phải nhận thức rõ rằng đây không phải là một bước đi ngoại giao thông thường mà là một quyết định mang tính lịch sử, với khả năng dẫn đến xung đột toàn diện. Tương lai an ninh của châu Âu đang bị đặt trên thế khó của bàn cờ, và bất kỳ lựa chọn nào được đưa ra hôm nay sẽ định hình lại thế giới trong nhiều thập kỷ tới.