Giá như phân loại rác được thực hiện rốt ráo như làm sạch sông Tô Lịch
Đối mặt với các vấn đề dân sinh của một thành phố thì sự quyết liệt trong hành động của chính quyền đô thị là yếu tố tiên quyết để thành công. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua kết quả của hai câu chuyện: Làm sạch sông Tô Lịch và phân loại rác thải.
Nhiều năm qua, từ một dòng sông thơ mộng, Tô Lịch đã trở thành một dòng sông ô nhiễm. Tôi nghĩ, không chỉ những người dân Hà Nội, mà rất nhiều người khi theo dõi tin tức từ các phương tiện thông tin đại chúng đều có những sự lạc quan nhất định với tốc độ xử lý nước thải sông Tô Lịch.
Ngày 27/11/2024, khi làm việc với Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao 2 nhiệm vụ cho lãnh đạo chính quyền Thủ đô, trong đó có nhiệm vụ xử lý các vấn đề về môi trường, làm thế nào để hồi sinh dòng sông Tô Lịch.
Và chỉ sau đó ít ngày, Bí thư và Chủ tịch Hà Nội đã thị sát các công trình thu gom, làm sạch nước thải sông Tô Lịch, Nhà máy nước thải Yên Xá và yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố lập phương án đưa nước từ sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch, như gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư.
Đến đầu tháng 1/2025, Hà Nội đã có phương án khẩn cấp trình Thủ tướng phê duyệt cơ chế đặc biệt cho phép thành phố triển khai dự án trị giá 550 tỷ đồng để bổ sung nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, để từ đó làm sống lại dòng sông này.
Tôi nghĩ, đây là điều đáng mừng bởi tốc độ của một công việc được đẩy nhanh đến mức mà ít người có thể hình dung được, trong bối cảnh chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu đến đầu tháng 9/2025 sẽ hoàn thành công trình này như một dấu ấn để kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9.
Tuy nhiên, khi đồng chí Tổng Bí thư nói về việc Hà Nội cần phải quan tâm đến các vấn đề về môi trường, thì ông không chỉ nhắc đến việc làm sạch sông Tô Lịch, ông còn nhắc đến chất lượng không khí, chất lượng môi trường.
Thực tế, Hà Nội vẫn còn những vấn đề rất lớn và chắc chắn sẽ không chỉ cần có sự bắt đầu từ sông Tô Lịch. Ở đây tôi còn muốn nói đến vấn đề rác thải.
Thật ngạc nhiên, bên cạnh việc Tổng Bí thư đã đề cập vấn đề này, mà thậm chí việc xử lý rác thải còn là một nhiệm vụ mà theo luật, chính quyền Hà Nội có nghĩa vụ phải làm từ ngày 31/12/2024, đó là tổ chức các điểm thu gom rác đã phân loại. Nhưng đến bây giờ, hầu hết các điểm thu gom, phân loại rác, kể cả ở các quận trung tâm đều không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Môi trường và Luật Giao thông đường bộ.
Các điểm tập kết rác vẫn ngổn ngang rác chưa phân loại, xe rác vẫn để giữa đường, để rơi vãi rác và nước thải rỉ ra đường. Ngay cả một địa bàn được Tổng Bí thư nhắc tên như xung quanh Hồ Tây, hầu hết các điểm thu gom rác vẫn không có gì thay đổi.
Tôi nghĩ, Hà Nội cũng cần phải bắt đầu một cách quyết liệt đối với việc thu gom rác như là đối với việc hồi sinh sông Tô Lịch.
Bởi mặc dù hồi sinh Tô Lịch là một điểm rất đáng để làm và có tính biểu tượng, nhưng những việc liên quan đến cuộc sống hàng ngày của từng người dân như tổ chức phân loại, thu gom rác đúng quy định chẳng lẽ không đáng để làm ngay?!
Hà Nội nên nghiên cứu và đưa ra phương án phù hợp cho việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt để ít nhất là có thể tuân thủ các quy định trong luật.
Tôi nghĩ, công việc đó xứng đáng được coi là một mục tiêu để đến dịp 2/9 tới, Hà Nội sẽ có những chuyển biến về môi trường, trong đó có thu gom và phân loại rác tại nguồn.