Giá ô tô nhập khẩu giảm gần 100 triệu đồng mỗi chiếc

6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỉ đô la, tăng 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, gần đạt mức nhập khẩu của cả năm 2018.

Giá ô tô giảm mạnh, lượng nhập vào Việt Nam tăng vọt

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, số lượng nhập khẩu trung bình mỗi tháng khoảng 12.570 xe, tương đương số lượng xe nhập khẩu trung bình 5 tháng cuối năm 2018.

Giá nhập khẩu trung bình ô tô các loại giảm hơn 4.000 đô la/xe (hơn 92,9 triệu đồng), từ mức 26.649 đô la xuống còn 22.275 đô la mỗi xe. Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi giá nhập khẩu trung bình cùng giảm hơn 3.000 đô la/xe.

Mức nhập khẩu ô tô tăng mạnh tập trung chủ yếu vào dòng ô tô con, chiếm đến 72,8% tổng lượng nhập khẩu ô tô. Đây là dòng xe vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh nên nhu cầu xã hội rất lớn. Ngoài ra, một số dòng ô tô con còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm về mức 0%, do vậy nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN tăng mạnh.

Sau một thời gian bị chững lại do những quy định của Nghị định 116, các doanh nghiệp nhập khẩu và hãng sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định, đặc biệt là vấn đề Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA). Do vậy các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để bù vào lượng xe nhập khẩu giảm ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành.

 Giá ô tô nhập khẩu giảm mạnh. Ảnh minh họa: Lê Anh

Giá ô tô nhập khẩu giảm mạnh. Ảnh minh họa: Lê Anh

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của nhiều mặt hàng chủ lực tăng đột biến

Theo số ước của liên Bộ, tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỉ đô la, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ đô la; 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng đầu năm ước đạt 44 tỉ đô la, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ).

Khác với thời gian trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo... của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tốt.

Kết quả xuất siêu được tiếp tục duy trì. Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm là 1,79 tỉ đô la.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu sang Mỹ đạt 27,51 tỉ đô la, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 32,2% (đạt 2,25 tỉ đô la); dệt may tăng 10,1% (đạt 7,03 tỉ đô la); giày dép tăng 15,3% (đạt 3,18 tỉ đô la); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 77,1% (đạt 2,3 tỉ đô la); điện thoại các loại và linh kiện tăng 81,9% (đạt 4,18 tỉ đô la); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 52% (đạt 2,07 tỉ đô la)...

Nguyễn Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292553/gia-o-to-nhap-khau-giam-gan-100-trieu-dong-moi-chiec.html