Giá ốc hương xuống thấp, người nuôi không biết bán cho ai
Giá ốc hương xuống còn 145.000/kg nhưng không ai thu mua, khiến hàng trăm người nuôi ở Khánh Hòa lo lắng.
Liên tục gọi điện cho thương lái quen để hỏi khi nào đến thu mua, ông Ngô Quốc Trung, ngụ phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chỉ nhận được câu trả lời: “Cố gắng chờ thêm. Tạm thời chưa có mối xuất hàng đi”.
“Hai đìa với gần 4 tấn ốc hương đã trưởng thành mọi năm tôi thu về bạc tỷ. Nay giá xuống quá thấp, mà cũng không ai hỏi mua cả, rất sốt ruột”, ông Trung buồn bã nói.
Giá ốc hương lao dốc
Theo ông Trung, dịp giữa và cuối năm thường là vụ thu hoạch chính của người nuôi ốc hương. Nhưng nay đã gần hết tháng 8, không thương lái nào nhập hàng.
“Ngày trước, thương lái đặt cọc sẵn tiền cho các hồ có ốc lớn, đẹp. Nay chúng tôi trực tiếp liên hệ mà họ không mua vì chẳng biết bán đi đâu”, anh Trung cho biết.
Phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) từng là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do dịch bệnh, diện tích đã giảm. Số hộ nuôi còn lại cũng đang “đứng ngồi không yên” vì giá ốc hương xuống thấp, nguy cơ lâm nợ hiển hiện.
“Gần 30 năm nuôi ốc hương nhưng chưa năm nào tôi chứng kiến giá ốc rẻ như thế này. Loại lớn giờ cũng chỉ xấp xỉ 300.000/kg, nhưng số này chiếm chỉ 10% ốc nuôi trong đìa. Số còn lại đã giảm xuống 145.000-160.000 đồng/kg (loại 150-170 con/kg). Với giá bán này không hộ nuôi nào có lãi, còn nếu không bán được thì rất ít người trụ nổi đến cuối năm vì chi phí thức ăn, chăm sóc, thuốc men khi ốc lớn rất tốn kém”, ông Trần Văn Lập (ngụ phường Ninh Hải) thở dài.
Theo các tiểu thương buôn bán ốc hương, giá ốc xuống thấp vì tình hình dịch bệnh, các tỉnh cách ly xã hội nên việc vận chuyển hàng vào các thị trường như TP.HCM, Hà Nội gặp khó. Ngoài ra, nửa năm nay việc xuất khẩu ốc hương sang thị trường Trung Quốc đóng băng cũng góp phần khiến giá ốc lao dốc.
“TP.HCM và Hà Nội là hai thị trường nội địa tiêu thụ hương lớn nhất thì liên tục giãn cách xã hội, các tỉnh, thành còn lại cũng chung cảnh tương tự. Còn xuất khẩu ngưng trệ nhiều tháng nay rồi. Giờ ốc có rẻ cũng không dám nhập hàng vì không biết bán đi đâu”, bà Hồng, một tiểu thương cho biết.
Cần mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo ông Hiền - một hộ hơn 20 năm nuôi ốc hương, cho biết đầu tư nuôi ốc hương đòi hỏi chi phí rất lớn.
“Một ao nuôi có diện tích 3.000 m2, thả từ 2,5 đến 3 triệu con giống. Trong 6 tháng nuôi tốn chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Với mức giá 145.000 đồng/kg như hiện nay, cộng thêm tỷ lệ hao hụt 20%-30%, nông dân chắc chắn lỗ vốn. Nếu tình hình đầu ra vẫn tiếp tục khó khăn như hiện nay thì nông dân không dám mạo hiểm thả nuôi vụ Tết”, ông Hiền bày tỏ.
Ông Trần Hải, Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa cho biết giá ốc hương xuống thấp, đầu ra khó khăn khiến người nuôi lo lắng.
Theo ông, một số hộ chấp nhận bán giá rẻ để gỡ gạc lại vốn, vì càng nuôi chi phí lớn càng lỗ thêm. “Họ chấp nhận bán lỗ để lấy đìa chuyển đổi sang trồng rong nho, nuôi cá, vừa ít vốn lại rủi ro ít hơn so với nuôi ốc hương. Thậm chí đã có người đã treo ao vì không còn vốn tái sản xuất sau khi bán ốc giá rẻ ”, chủ tịch phường Ninh Hải cho biết.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đầu ra của ốc hương thương phẩm phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu. Trước khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ ốc hương cũng đã bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường Trung Quốc do họ thắt chặt đường tiểu ngạch.
Theo ông Én, dịch bệnh không ai mong muốn nhưng cũng đặt ra thách thức cho người nông dân về phương án sản xuất và nghiêm túc về vấn đề thị trường. “Có nhiều thời điểm giá ốc hương lên rất cao nên người nuôi ở tỉnh Khánh Hòa đổ xô xuống con giống. Sau đó mật độ nuôi quá lớn khiến ốc chết hàng loạt, cung vượt cầu khiến nhiều người lâm nợ”, ông Én cho biết.
Cũng theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thị trường ngày càng khắc nghiệt, cộng thêm dịch bệnh nên người nuôi ốc hương nói riêng và thủy sản nói chung cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý.
Còn về lâu dài để ổn định đầu ra cho sản phẩm cần xúc tiến để tiêu thụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc như hiện nay
“Đầu năm 2020 và 2021, chúng tôi cũng đã cảnh báo người nuôi ốc trên toàn tỉnh không nên xuống giống vì dịch bệnh còn phức tạp. Nhưng rõ ràng là họ không mặn mà gì về khuyến cáo của cơ quan chức năng”, ông Én nói thêm.