Giá phân bón năm 2025 kỳ vọng ổn định nhờ nguồn cung được củng cố
Giá phân bón trên thị trường Việt Nam năm 2025 vẫn chịu tác động từ yếu tố quốc tế, nhưng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với năm 2024, nhờ nguồn cung nội địa được củng cố.
Nguồn cung ổn định hơn nhờ tăng cường năng lực sản xuất trong nước
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 709,91 triệu USD, giá trung bình 411,1 USD/tấn, tăng 11,7% về khối lượng, tăng 9,4% về kim ngạch. Xét về thị trường, các quốc gia châu Á đều đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam với Campuchia, Hàn Quốc và Philippines nổi lên là 3 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2024.
Tiếp đà kết quả tích cực của năm 2024, các chuyên gia dự báo, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có nhiều triển vọng về cung - cầu và giá cả.
Đánh giá về triển vọng cung cầu thị trường phân bón, nghiên cứu viên Trần Thị Huế - Viện Kinh tế - Tài chính (Học Viện Tài chính) cho biết, năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được kỳ vọng duy trì sự ổn định về nguồn cung nhờ năng lực sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện.
"Các nhà máy lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và DAP Đình Vũ đã triển khai các dự án mở rộng công suất, nâng cấp công nghệ, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sản lượng và chất lượng sản phẩm" - bà Trần Thị Huế dẫn chứng. Bên cạnh đó, sự ổn định trong chuỗi cung ứng và năng lực xuất khẩu mạnh mẽ sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu nội địa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như RCEP và EVFTA tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu phân bón từ các nước có lợi thế cạnh tranh về giá như Nga, Trung Quốc và Indonesia. Điều này không chỉ giúp bổ sung nguồn cung mà còn hạn chế tình trạng tăng giá đột biến do khan hiếm cục bộ.
Hiệp hội Phân bón thế giới dự báo, nhu cầu tiêu thụ phân ure tăng 6% trong giai đoạn 2024 - 2028. Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.
Không những vậy, nhu cầu gia tăng nhờ mở rộng diện tích canh tác và áp công nghệ nông nghiệp dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón.
Bên cạnh các cơ hội, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 cũng đối mặt với một số thách thức từ xu hướng toàn cầu và biến động thời tiết.
Theo đó, xu hướng nông nghiệp hữu cơ tại các nước phát triển có thể làm giảm nhu cầu phân bón hóa học toàn cầu. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Ninõ và La Ninã có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, từ đó tác động đến nhu cầu phân bón, đặc biệt trong ngắn hạn.
"Theo các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn. Xu hướng này phản ánh sự cải thiện trong quản lý nguồn cung và hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam" - bà Huế nhấn mạnh.
Giá dự báo tăng nhẹ khoảng 3 - 5%
Nhận định về xu hướng giá phân bón năm 2025, các chuyên gia cho hay, giá phân bón sẽ tăng nhẹ toàn cầu khoảng 3 - 5%, có khả năng tác động lên mức giá trong nước, đặc biệt tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu.
Bà Trần Thị Huế cho biết thêm, giá phân bón trên thị trường Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với năm 2024, nhờ nguồn cung nội địa được củng cố và các chính sách hỗ trợ sản xuất.
Tuy nhiên, giá cả vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế quan trọng. Trước tiên là biến động giá nguyên liệu đầu vào như giá khí tự nhiên, lưu huỳnh, và amoniac - các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón được dự báo biến động theo xu hướng thị trường năng lượng toàn cầu. Nếu giá năng lượng tăng, chi phí sản xuất phân bón cũng sẽ tăng, tác động trực tiếp đến giá bán lẻ.
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Brazil tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giá phân bón. Nếu nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường này, Việt Nam có thể gặp phải áp lực cạnh tranh nguồn cung, dẫn đến giá nội địa tăng theo.
Tỷ giá và chi phí logistics, tỷ giá VND so với USD và các đồng tiền mạnh khác, cùng với chi phí vận chuyển quốc tế, sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu và xuất khẩu.
“Mặc dù chịu nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài, giá phân bón nội địa được dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ, trong khoảng 3-5% so với mức trung bình năm 2024. Mức tăng này được hỗ trợ bởi các chính sách ổn định giá cả, đảm bảo sức cạnh tranh của thị trường và sự ổn định nguồn cung nội địa” - bà Huế phân tích.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo, biên lợi nhuận gộp ngành phân bón năm 2025 tăng nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán đầu ra của phân bón nội địa./.
Từ 1/7/2025, mặt hàng phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước như: Hoàn thuế nguyên liệu đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, nới rộng biên lợi nhuận gộp, góp phần tăng trưởng lợi nhuận; mức thuế 5% có thể làm giảm sự cạnh tranh về giá thành giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.