Giá phân bón tăng cao: Người nông dân chủ động tiết giảm chi phí sản xuấtTin khácĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt NamHọc trực tuyến: Cần hơn nữa sự trợ giúp cho học sinh nghèo

Người dân tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chăm sóc rau vụ đông

– Trong năm 2021, giá các loại phân bón tăng cao so với năm 2020. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người dân trên địa bàn. Trước thực tế đó, không ít bà con đã có những cách làm hay để giảm thiểu chi phí đầu vào, đảm bảo lợi nhuận trong sản xuất.

Theo tìm hiểu tại một số huyện như: Tràng Định, Cao Lộc, Lộc Bình… trong năm qua, giá các loại phân bón các loại tăng từ 30 đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: phân Urê Hà Bắc ở mức trên 800.000 đồng/bao 50 kg; phân lân Lâm Thao – 513 ở mức 160.000 đồng/bao 25 kg; phân kali ở mức 360.000 đồng/bao 50 kg… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chi phí sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu các loại nguyên liệu sản xuất, phân bón tăng cao.

Trong trồng trọt, chi phí phân bón luôn chiếm từ 50 đến 70% tổng chi phí sản xuất. Đối với người nông dân, do giá phân bón tăng cao, tổng chi phí sản xuất tăng từ 30 – 35% so với hàng năm. Ông Trần Văn Tư, người dân tại xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi trồng 4 sào thạch đen, trung bình mỗi sào tốn khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng chi phí vật tư nông nghiệp các loại, trong đó chủ yếu là phân bón. Với giá phân bón như hiện nay, mức chi phí cho mỗi sào thạch đen tăng lên hơn 2 triệu đồng.

Không chỉ tại Tràng Định, nhiều hộ trồng trọt tại các địa phương khác cũng gặp khó khăn do giá phân bón tăng cao. Trước thực tế đó, không ít hộ dân đã chủ động thực hiện các cách làm riêng để tiết kiệm được chi phí sản xuất mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Đơn cử như tại xã Tân Liên – xã có diện tích trồng rau vụ đông lớn nhất của huyện Cao Lộc. Hằng năm, diện tích rau vụ đông của toàn xã luôn duy trì ở mức khoảng 170 ha. Trong bối cảnh giá phân bón quá cao, nhiều hộ dân tại đây đã sử dụng phế phẩm từ nông nghiệp để chế biến thành phân bón. Anh Nguyễn Văn Quyết, người dân tại thôn Nà Hán, xã Tân Liên cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 5 sào rau các loại và khoai tây, với diện tích trên, nếu sử dụng phân bón hóa học, tổng chi phí vật tư sẽ phải ở mức 15 triệu đồng/vụ. Vì vậy, tôi đã tận dụng rơm, rạ có sẵn để đốt thành tro, sau đó ủ với phân lân cùng với đất ruộng trong 1 thời gian để dùng làm phân bón. Với cách làm này, các loại cây vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng mà tôi chỉ tốn khoảng 9 triệu đồng cho tổng chi phí vật tư nông nghiệp.

Tương tự, nhiều người dân tại địa bàn các huyện đã sử dụng các loại phân chuồng hoặc tự chế biến các loại phân bón có nguồn gốc sinh học để bón cho cây. Nhờ cách làm này, các hộ tiết kiệm được đến 30% chi phí so với sử dụng phân hóa học. Ông Dương Văn Dũng, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 3 ha cam đường Canh. Hiện nay, do giá các loại phân bón hóa học tăng rất cao nên tôi đã sử dụng phân chuồng ủ hoại mục để bón cho cây. Đồng thời, sử dụng đỗ tương xay để ủ, bón cho cây để đảm bảo dinh dưỡng, giúp cây và quả phát triển tốt hơn. Đến nay, toàn bộ 3.000 cây cam của tôi đều không phụ thuộc vào phân bón hóa học.

Cùng với sự chủ động từ người dân, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân các biện pháp sản xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: sử dụng phân hữu cơ; tận dụng các chế phẩm sinh học, phụ phẩm từ nông nghiệp để tạo thành phân bón cho cây.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của bà con. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân sử dụng các loại phân bón tiết kiệm mà vẫn đạt hiệu quả trong trồng, chăm sóc cây. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn đến bà con tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, phân chuồng, phân hữu cơ vào phục vụ sản xuất. Qua đó, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, đáp ứng nhu cầu phát triển của cây trồng, đảm bảo hoạt động sản xuất về lâu dài.

Trong thời điểm giá phân bón cao như hiện nay, thì sự chủ động, sáng tạo của người dân cũng như các giải pháp ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai, tin rằng, người dân sẽ từng bước gỡ khó, dần thích ứng để sản xuất đạt hiệu quả cao.

GIA KHÁNH

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/469611-gia-phan-bon-tang-cao-nguoi-nong-dan-chu-dong-tiet-giam-chi-phi-san-xuat.html