Giá phân tăng, nông dân không mặn mà làm lúa thu đông

Trước tình hình giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lúa gạo bấp bênh, nông dân sản xuất lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn. Tai nhiều địa phương trong tỉnh Kiên Giang, nông dân lo ngại rủi ro, không xuống giống vụ thu đông, tập trung cải tạo đất chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Tính đến ngày 25-8, toàn tỉnh gieo sạ 68.351ha/80.000ha lúa thu đông 2022, đạt 85,44% kế hoạch. Lúa vụ thu đông 2022 được gieo sạ tập trung tại địa bàn có hệ thống đê bao hoàn chỉnh như huyện Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng và TP. Rạch Giá.

Căn cứ vào lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhiều địa phương hoàn thành dứt điểm việc gieo sạ vụ thu đông 2022 nhưng không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tại huyện Tân Hiệp, địa phương được tỉnh giao chỉ tiêu sản xuất lúa vụ thu đông 2022 là 27.000ha, đạt 74,65% kế hoạch tỉnh giao.

Lý giải nguyên nhân diện tích lúa vụ thu đông 2022 không đạt kế hoạch đề ra, đồng chí Bùi Quốc Duy - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: “Tình hình giá phân bón tăng, trong khi giá lúa giảm thấp, không ổn định nên nông dân sản xuất không có lãi như kỳ vọng, lợi nhuận bình quân vụ lúa đạt từ 10-20% sau khi trừ chi phí. Thêm vào đó, vụ thu đông 2022 sản xuất gặp nhiều bất lợi về diễn biến thời tiết, mưa bão, sâu bệnh nên chi phí sản xuất thường cao hơn vụ đông xuân và hè thu. Do hiệu quả kinh tế không cao, một số nơi nông dân không mặn mà xuống giống vụ thu đông, để đất nghỉ, chuẩn bị cho vụ đông xuân 2022-2023. Điều này dẫn đến diện tích sản xuất lúa vụ thu đông 2022 trên địa bàn huyện Tân Hiệp năm nay giảm đáng kể”.

Ông Trần Văn Lực - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 6B, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp cho biết: “Năm nay, tôi vận động thành viên hợp tác xã thống nhất không làm lúa vụ thu đông khi thấy chi phí sản xuất quá cao, nếu sản xuất gặp nhiều rủi ro dịch bệnh, giá lúa thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, nhiều năm nay bà con sản xuất 3 vụ lúa/năm cần cho đất nghỉ để sản xuất lúa vụ sau đạt hiệu quả hơn”.

Sau nhiều lần đắn đo, ông Phan Văn Tư, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp quyết định không xuống giống vụ thu đông bởi giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng, các chi phí sản xuất khác như xăng, dầu, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công máy cắt, giống đều tăng, giá lúa thấp, nông dân càng làm càng lo không có lãi. Từ trước đến nay nông dân vẫn còn thói quen sản xuất lúa 3 vụ/năm để gia đình có thêm thu nhập, nhưng tình hình giá phân bón tăng gấp 3-4 lần so với trước, sản xuất lúa vụ thu đông có lợi nhuận rất thấp.

Nông dân ấp Kênh 9A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa vụ thu đông 2022.

Nông dân ấp Kênh 9A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa vụ thu đông 2022.

Với những nông dân đã xuống giống vụ thu đông 2022, phần lớn diện tích ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ, một số khu vực gieo sạ sớm đã có diện tích lúa trổ chín, chuẩn bị thu hoạch. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, để đảm bảo lợi nhuận cho vụ lúa, nông dân tích cực chăm sóc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Do nằm trong vùng có đê bao khá đảm bảo, năm nay dự báo lũ về trễ và ở mức thấp so mọi năm, tôi không lo lúa bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên, vụ thu đông thường có mưa, gió lớn, lúa dễ bị đổ ngả, ngập úng. Lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, tôi thường xuyên thăm đồng, chủ động tiêu thoát nước để đảm bảo lúa cứng cây, chắc khỏe, hạn chế đổ ngả, giảm năng suất”.

Ông Phạm Văn Sơn, ngụ ấp Kênh 9A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp chia sẻ: “Vụ thu đông tôi chọn giống lúa IR50404 để gieo sạ, là giống ngắn ngày nên sau khi thu hoạch sẽ còn thời gian để đất nghỉ chuẩn bị cho vụ đông xuân. Hiện lúa gần đến ngày thu hoạch. Để giảm chi phí, tôi chủ động sạ thưa, kết hợp bón phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học, giúp hạn chế hơn 40% lượng phân bón hóa học, qua đó giảm được chi phí”.

Theo đồng chí Bùi Quốc Duy, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trong điều kiện khó khăn, ngành nông nghiệp huyện Tân Hiệp đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phối hợp với các địa phương tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả.

Ngành nông nghiệp huyện Tân Hiệp khuyến cáo nông dân thực hiện các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bón phân cân đối, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ kết hợp để giảm lượng phân bón hóa học trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/gia-phan-tang-nong-dan-khong-man-ma-lam-lua-thu-dong-10692.html