Giá phân ure: Thế giới tăng, trong nước dự báo ổn định

Giá phân ure trên thế giới đang tăng dần lên trong tuần gần đây do nhu cầu tăng. Trong nước dự báo giá vẫn ổn định do nguồn cung và thói quen tiêu dùng.

Giá phân ure thế giới có thể đạt mốc 400 USD/tấn vào tháng 8

Theo báo cáo từ các bản tin mới nhất của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), tại thị trường Trung Quốc, giá ure hạt trong giao ngay ở mức 310-320 USD/tấn Fob (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán), tăng so với mức 300-310 USD/tấn Fob vào tuần trước. Giá ure hạt đục ở mức 330-340 USD/tấn Fob, tăng so với mức 315-320 USD/tấn Fob vào tuần trước.

Hiện các nhà máy sản xuất ure của Trung Quốc đi từ khí chỉ vận hành 73% công suất và các nhà máy sản xuất ure từ than chỉ vận hành bình quân đạt 79% công suất do có một số nhà máy gặp vấn đề về kỹ thuật. Điều này càng gây áp lực lên nguồn cung ứng trong khu vực.

Tại Trung Đông, giá phân ure cũng ở mức 325-350 USD/tấn, tăng so với giá tuần trước từ 13-38 USD/tấn Fob. Nguyên nhân tăng giá do nguồn cung ure thắt chặt với nhu cầu gia tăng từ châu Á – Thái Bình Dương.

Xuất hàng tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh minh họa

Xuất hàng tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh minh họa

Tại châu Phi, các nhà sản xuất Bắc Phi tiếp tục đẩy nhịp điệu điều tiết giá tháng 8/2023 lên các vùng cao mới với lượng bán vừa phải cho thị trường trong bối cảnh nguồn cung từ Nigeria giảm. Theo đánh giá của Fertecon, giá ure hạt đục Ai Cập tuần này ở mức 378-380 USD/tấn Fob, tăng từ 18-20 USD/tấn Fob so với giá tuần trước.

Tại Biển Đen, giá ure hạt trong phù hợp với giá tại Baltic và giao động ở mức 280-295 USD/tấn Fob, tăng so với mức giá tuần trước khoảng 5-10 USD/tấn. Theo đánh giá của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, giá ure tại khu vực này có thể tiếp tục tăng khi Nga tiến hành bảo dưỡng các nhà máy vào tháng 7 và 8, khiến nguồn cung bị thắt chặt.

Tại Mỹ, giá ure hạt đục tại cảng Nola ở mức 311-335 USD/tấn Fob, cao hơn so với mức giá 295 USD/tấn Fob vào tuần đầu tháng 7/2023. Nguyên nhân giá ure tăng là do nguồn cung ure tại Nola thắt chặt hơn, buộc người mua có nhu cầu mua ngay phải trả giá cao hơn. Giá sà lan tại Nola cho tháng 9 thậm chí còn tăng mạnh hơn, bắt đầu giao dịch ở mức 305 USD/tấn Fob, sau đó nhanh chóng tăng lên 320-330 USD/tấn. trong những tháng gần đây.

Theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, giá ure trong những tuần tới đây tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ nhiều thị trường mua chính trong bối cảnh có sự thắt chặt nguồn cung chủ động ở Trung Đông, Baltic, Biển Đen. Giá ure có thể tiếp tục theo xu hướng chinh phục mốc 400 USD/tấn ở một số thị trường chính trong giai đoạn tháng 7-8.

Ure trong nước dự báo ổn định do nguồn cung dồi dào

Thường giá ure trong nước sẽ diễn biến cùng chiều với giá ure thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn (cuối tháng 7 đầu tháng 8), thị trường ure trong nước được cho là không có biến động nhiều về giá. Bà Nguyễn Thị Tiêu - Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh - đơn vị xuất nhập khẩu và cung cấp phân bón lớn tại Việt Nam cho biết, tuy diễn biến thị trường phân bón thế giới có biến động, nhưng trong nước dự kiến 1 - 2 tháng nữa sẽ không có biến động nhiều.

Bà Tiêu cho rằng, đối với thị trường ure, hiện ure trong nước đã dư thừa (công suất cả nước sản xuất được xấp xỉ 3 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm). Vì thế, nguồn cung ure trong nước không có biến động, còn doanh nghiệp sản xuất ure còn phải đẩy mạnh xuất khẩu để hạn chế tồn kho cao.

Cũng theo bà Tiêu, mực dù giá ure thế giới có chiều hướng nhích nhẹ nhưng giá ure trong nước dự kiến vẫn ổn định, có thể tăng một chút ít không đáng kể do nguồn cung ổn. Quan trọng hơn nữa, người dân trong nước có xu hướng vẫn tin dùng ure sản xuất trong nước. Theo nghiên cứu của Hà Anh nhiều năm nay, người dân khu vực phía Bắc vẫn chuộng ure thương hiệu Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) và nông dân khu vực phía Nam vẫn chuộng ure Phú Mỹ và ure Cà Mau. Chính vì thế, ure Trung Quốc có thể nhập khẩu về Việt Nam nhưng sẽ không được ưa chuộng nếu giá không chênh lệch hẳn với ure trong nước.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-phan-ure-the-gioi-tang-trong-nuoc-du-bao-on-dinh-262688.html