Già Phống - Người nửa thế kỷ giữ cột mốc miền biên viễn Hà Quảng

Người Nùng ở Nhỉ Đú chẳng ai biết chính xác già Phống giữ gìn cột mốc biên cương từ khi nào. Chỉ biết già đã gắn bó với mốc hơn 50 mùa rẫy, được truyền từ đời này qua đời khác, từ khi tóc còn xanh nay đã sang tuổi 65.

Khi mặt trời bừng tỉnh ở xóm Nhỉ Đú (xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) thì cũng là lúc bước chân của già làng Trần Văn Phống (người Nùng) lại bắt đầu hành trình in dấu chân lên từng mỏm đá tai mèo sắc nhọn.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, đôi chân của già vẫn không biết mỏi, cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) miệt mài tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới từ mốc 692 đến mốc 695 (Việt Nam - Trung Quốc), gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Già Phống đã gắn bó với mốc hơn 50 mùa rẫy, được truyền từ đời này qua đời khác, từ khi tóc còn xanh nay đã sang tuổi 65.

Già Phống đã gắn bó với mốc hơn 50 mùa rẫy, được truyền từ đời này qua đời khác, từ khi tóc còn xanh nay đã sang tuổi 65.

Chân quen đường, mắt quen rừng, tim hướng mốc

Cũng giống như mọi lần, hành trang của già Phống mang theo hôm nay chỉ đơn giản là con dao quắm để phát quang bụi rậm, chiếc khăn mặt để thấm mồ hôi, nắm cơm ăn trưa và chai nước để giải khát giữa đường…

“Đường lên cột mốc vất vả lắm, phải leo núi dốc, đôi chân phải vững, đôi tay phải bám thật chắc vào đá, cả đi cả về cũng mất 1 ngày”, vừa đi già Phống vừa tâm sự cùng chúng tôi.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, già Phống vẫn không biết mỏi, miệt mài tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới từ 692 đến 695 (Việt Nam - Trung Quốc).

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, già Phống vẫn không biết mỏi, miệt mài tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới từ 692 đến 695 (Việt Nam - Trung Quốc).

Chưa đến mốc 692, chúng tôi đã thấm mệt trước những dốc đá tai mèo lởm chởm dựng đứng. Nhưng đôi chân của già Phống vẫn thoăn thoắt, già không ngại khó vì cái chân đã quen dốc, mắt đã quen rừng, con tim lại hướng về mốc - “điểm tựa tinh thần” của mình. Hơn cả, già lên đó bằng cả tấm lòng chân thành của toàn thể đồng bào dân tộc Nùng ở Nhỉ Đú với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Mặt trời lên đỉnh đầu cũng là lúc chúng tôi đến cột mốc 692. Già Phống lại lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ và con số in trên mặt chính của cột mốc, dọn và phát quang cỏ cây mọc xung quanh khu vực cột mốc. Đó là những công việc lặp đi lặp lại mà chẳng có sự phân công của bất cứ đơn vị hay cấp chính quyền nào. Nhưng già Phống vui và tự hào lắm! Bởi sau mỗi chuyến đi, nét sơn còn rõ hay đã mờ, cột mốc có nguyên vẹn hay bị sứt mẻ… đều được già mô tả chi tiết cho Bộ đội Biên phòng Lũng Nặm. Cái cột mốc bằng ximăng lại trở thành người bạn tri kỷ, thành “điểm tựa tinh thần” gắn bó cả đời già rồi.

 Mỗi chuyến tuần tra cột mốc, già Phống cũng tự tay lau sạch cột mốc, sắp xếp đá xung quanh mốc...

Mỗi chuyến tuần tra cột mốc, già Phống cũng tự tay lau sạch cột mốc, sắp xếp đá xung quanh mốc...

Rời mốc 692, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình cùng già Phống đến mốc 693 - đây là cột mốc cao nhất và khó đi lại nhất trong số 30 cột mốc do Đồn Biên phòng Lũng Nặm quản lý. Sự có mặt của già mỗi ngày khiến mọi vật từ mỏm đá đến gốc cây đều trở nên quen thuộc thay thế cho sự hoang sơ nơi rừng thiêng, heo hút.

Việc trông coi bảo vệ cột mốc được gia đình già Phống truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngay từ nhỏ, già Phống đã theo cha (cụ Trần Văn Páo) phát quang đường biên, kiểm tra mốc giới, việc làm này đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống trong con người già. Cho đến năm 1998, đôi chân cụ Páo đã mỏi, lần thăm mốc cuối cùng ấy cũng là lúc già Phống chính thức thay cha tiếp tục trách nhiệm đó cho đến bây giờ.

 Đường lên cột mốc phải len lỏi qua những dốc đá lởm chởm dựng đứng nhưng già Phống không ngại. Bởi già lên đó còn bằng cả tấm lòng chân thành với cách mạng, với quê hương Nhỉ Đú.

Đường lên cột mốc phải len lỏi qua những dốc đá lởm chởm dựng đứng nhưng già Phống không ngại. Bởi già lên đó còn bằng cả tấm lòng chân thành với cách mạng, với quê hương Nhỉ Đú.

Theo lời kể của già Phống, trước khi Việt Nam - Trung Quốc thực hiện phân giới cắm mốc (năm 2001) thì mốc giới chỉ được dựng lên bằng những tấm đá. Hễ sau mỗi trận mưa rừng, già Phống lại nhanh chóng lên đường để kiểm tra xem mốc có bị đá lăn rồi cây đổ làm hư hại. Đường đi xem mốc ngày ấy còn gian nan, còn vất vả lắm! Phân giới khi ấy chỉ là đá xếp thành hàng để phân biệt bên này là Việt Nam phía bên kia là Trung Quốc.

“Già quý từng tấc đất, khoảnh rừng, mỗi lần phát hiện mốc bị sứt mẻ, già lại tìm cho được những mảnh vỡ, gói lại cẩn thận mang về cho Bộ đội Biên phòng”, già Phống tâm sự.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Nặm vẫn coi già Phống là một “biên chế không danh sách”, “người lính biên phòng” không quân hàm, là đồng đội mẫn cán và đáng tin cậy của đồn.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Nặm vẫn coi già Phống là một “biên chế không danh sách”, “người lính biên phòng” không quân hàm, là đồng đội mẫn cán và đáng tin cậy của đồn.

Vào mùa mưa, cây cối phát triển nhanh, cỏ mọc rậm rạp, già Phống lại vận động bà con Nhỉ Đú cùng nhau phát quang đường biên, mốc giới. Công việc ấy đã trở thành một thói quen, một công việc thường xuyên đi vào nền nếp của già và dân bản. Tất cả cùng tích cực hưởng ứng cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự bản làng.

Già Phống cho biết thêm, việc đi kiểm tra mốc giới còn có sự đồng hành của con trai già là Trần Văn Péc (sinh năm 2001) - niềm tự hào của cả bản cũng là người tiếp nối công việc của già nếu sức khỏe không tốt. Nói về Péc, già tự hào lắm vì Péc là người đầu tiên của cả làng thi đỗ đại học, vào lực lượng công an nhân dân.

Trần Văn Péc (sinh năm 2001), con trai của già Phống - niềm tự hào của cả bản Nhỉ Đú hiện là học viên Khoa Kỹ thuật hình sự của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.

Trần Văn Péc (sinh năm 2001), con trai của già Phống - niềm tự hào của cả bản Nhỉ Đú hiện là học viên Khoa Kỹ thuật hình sự của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.

Trần Văn Péc tâm sự: “Hiện em là học viên Khoa Kỹ thuật hình sự của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi em là người đầu tiên của xóm Nhỉ Đú học tại trường. Sau khi tốt nghiệp, em mong có thể trở về phục vụ quê hương, cho nơi mà em đã sinh ra và trưởng thành. Cột mốc 692, 693, 694, 695 thực sự gắn bó với đời sống hằng ngày, với tình cảm và trách nhiệm của 4 thế hệ gia đình em, em cũng tin rằng điều đó sẽ được tiếp nối, trao truyền sang các thể hệ mai sau nữa”.

Đi từng bản, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người

Ngắm nhìn sự thanh bình và yên ả nên thơ của Nhỉ Đú hôm nay, chẳng ai có thể tưởng tượng được sau chiến sự biên giới 1979, nơi đây hoang tàn không bóng người. Tất cả 9 hộ dân xóm Lũng Dậu B đã đi sơ tán, duy nhất chỉ có gia đình già Phống là trở về sinh sống tại mảnh đất này, còn 8 hộ khác đã không về quê cũ.

Lớn lên ở vùng biên, trải qua bao khó khăn, thăng trầm của Nhỉ Đú, già Phống cảm nhận rõ giá trị của hòa bình và từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Không quản ngại khó khăn, già lại đến từng vùng nơi bà con sơ tán trong chiến tranh và vận động, giúp đỡ 8 hộ dân trở về quê hương, vừa làm ăn sinh sống vừa phát triển kinh tế nơi quê cha, đất tổ.

 Bài toán phát triển kinh tế già Phống luôn tiên phong thực hiện chăn nuôi lợn, trâu, bò khai thác thế mạnh của vùng lục khu, núi đá để ổn định kinh tế, cho bà con noi theo.

Bài toán phát triển kinh tế già Phống luôn tiên phong thực hiện chăn nuôi lợn, trâu, bò khai thác thế mạnh của vùng lục khu, núi đá để ổn định kinh tế, cho bà con noi theo.

Già Phống đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, khuyên bảo các gia đình khó khăn ở Nhỉ Đú để các con, các cháu được ăn học thành người; xây dựng thôn bản ngày càng trù phú hơn. Già Phống hiểu rằng: “Cột mốc nơi biên cương không chỉ là mốc giới địa lý mà còn là những người dân cắm bản, sinh sống tại nơi đây”.

Ông Hoàng Văn Dáu (sinh năm 1972) – một trong 8 gia đình khi đó chia sẻ: “Năm 1979, khi chiến tranh xảy ra, cả bản đều di chuyển xuống Bắc Kạn. Đến năm 1986, già Phống khuyên bảo chúng tôi về lại quê cũ, cùng nhau làm ăn, cùng bảo vệ đường biên, cột mốc và chăm lo cuộc sống của mình”.

Năm 1996, già Phống là trưởng xóm Lũng Dậu B. Đến năm 1999, xóm Lũng Dậu B được sáp nhập với xóm Lũng Đa, già lại được dân bản tin tưởng bầu làm trưởng xóm Lũng Đa. Năm 2020, 3 xóm Lũng Đa, Pác Có, Nhỉ Đú được sáp nhập thành xóm Nhỉ Đú với 71 hộ dân, già vẫn được tín nhiệm bầu làm trưởng xóm kiêm công an viên. Không những vậy, già còn là Người có uy tín của Nhỉ Đú suốt 30 năm qua.

Với vai trò và trách nhiệm của mình trước sự tin yêu, tín nhiệm của bà con Nhỉ Đú, già luôn nghĩ cách để bà con dân bản yên tâm và ổn định cuộc sống; muốn vậy trước hết phải tập trung phát triển kinh tế.

Bài toán phát triển kinh tế khi ấy được già tiên phong thực hiện, già là người đầu tiên ở Nhỉ Đú đưa đàn dê về chăn nuôi, khai thác thế mạnh của vùng lục khu, núi đá.

Già Trần Văn Phống cho hay: “Ngày trước, gia đình già cũng đặc biệt khó khăn, bản thân già lấy “ngắn nuôi dài” mua dê về nuôi để phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Dê lớn thì già bán đi mua con trâu con bò, cuộc sống dần có của ăn, của để, bà con thấy già vậy thì làm theo. Ổn định cuộc sống rồi thì mới cùng nhau gìn giữ, bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

 Già thường xuyên nhắc nhở con cháu , dân bản Nhỉ Đú phải có trách nhiệm nối tiếp truyền thống cha ông để cùng với Bộ đội Biên phòng Lũng Nặm bảo vệ đường biên, cột mốc... cũng là bảo vệ đất đai của Tổ quốc.

Già thường xuyên nhắc nhở con cháu , dân bản Nhỉ Đú phải có trách nhiệm nối tiếp truyền thống cha ông để cùng với Bộ đội Biên phòng Lũng Nặm bảo vệ đường biên, cột mốc... cũng là bảo vệ đất đai của Tổ quốc.

“Vùng lục khu chúng tôi thiếu nước nhiều lắm, nhưng rồi được già Phống về vận động trồng ngô, chăn dê, chăn bò. Tiền làm nhà, cho con ăn học cũng từ đó mà ra. Cuộc sống giờ đầy đủ hơn rồi, có cả tivi, tủ lạnh chẳng thiếu thốn hay khổ như trước nữa”, ông Hoàng Văn Đại (sinh năm 1976) cho biết.

Con đường từ nhà già Phống đến nhà văn hóa xóm Nhỉ Đú gần 2km. Nói là 2 cây số nhưng địa hình khó khăn, dốc đá, phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể đến nơi. Sự khó khăn ấy chẳng thể ngăn được bước chân của già đến với bà con. Mỗi tháng, già lại đến với bà con dân bản, dành thời gian nói chuyện với bà con về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt việc bảo vệ đường biên, cột mốc.

Mùa ngô mới lại về trên rẻo cao của Nhỉ Đú. Niềm vui của bà con lại được nhân lên gấp bội vì con đường bằng bê tông to dần hiện hữu, nối từ xã Cải Viên vào tận bản thay thế cho đường mòn xuyên núi. Già Phống bày tỏ: “Ước nguyện bao đời nay của người dân đã thành hiện thực. Già cũng vận động bà con hy sinh những lợi ích của gia đình, di dời nhà cửa để hiến đất để mạch máu giao thông thực sự “chảy” trên rẻo cao, đem đến niềm vui, sự đổi thay về với bản làng. Con đường chính là dấu ấn về ý Đảng - lòng dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào người Nùng ở Nhỉ Đú vốn còn nhiều gian khó”.

“Người lính không mang quân hàm”

Những người lính biên phòng ở Lũng Nặm vẫn thường gọi già Phống bằng tất cả sự yêu mến với cái tên “người lính không mang quân hàm”. Nói về già Phống, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Nặm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết: “Già Phống-Trưởng xóm kiêm công an viên của xóm Nhỉ Đú, xã Cải Viên là một tấm gương sáng, trong những năm qua. Già không ngại khó khăn, gian khổ, đã tự nguyện và đồng hành cùng đội biên phòng Lũng Nặm trong quản lý bảo vệ đường biên, mốc giới.

 Niềm vui của bà con Nhỉ Đú lại được nhân lên gấp bội vì con đường bằng bê tông to dần hiện hữu, nối từ xã Cải Viên vào tận bản thay thế cho đường mòn xuyên núi.

Niềm vui của bà con Nhỉ Đú lại được nhân lên gấp bội vì con đường bằng bê tông to dần hiện hữu, nối từ xã Cải Viên vào tận bản thay thế cho đường mòn xuyên núi.

Hiện nay, gia đình già Phống tự quản 4 mốc giới, từ mốc giới 692 đến mốc giới 695. Ngoài việc tự nguyện tham gia tự quản đường biên, mốc giới, già còn là người có vai trò rất là quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vận động bà con trong xóm tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

“Xóm Nhỉ Đú là xóm xa nhất, là khó khăn nhất của xã Cải Viên. Trong những năm qua, già Phống đã tuyên truyền, vận động nhân dân trở lại địa phương, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt, trong các cuộc diễn tập phòng thủ của xã, già còn tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ thực phẩm, ngày công lao động góp phần chung cho cuộc diễn tập thành công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Triệu Văn Thưởng, Phó chủ tịch UBND xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả; để bám trụ vững vàng nơi bản làng giáp biên giới, chúng tôi hiểu ngoài ý chí vượt khó vươn lên của người dân xóm Nhỉ Đú còn có cả niềm tin son sắt vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc. Niềm tin đó được thể hiện bằng những công việc cụ thể hàng ngày của những người dân nơi đây, ngay trên mảnh đất quê hương của chính mình. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, bằng khen được treo kín cả một góc nhà của các cấp chính quyền chính là minh chứng cho sự đóng góp hơn nửa thế kỷ kiên trì, bền bỉ của già Phống.

 Niềm vui của già Phống hôm nay là những tấm bằng khen của Đảng, của Nhà nước, Tỉnh ủy Cao Bằng... trao tặng vì có công tham gia giữ vững chủ quyền an ninh biên giới... đây là như báu vật của già treo kín cả một góc nhà.

Niềm vui của già Phống hôm nay là những tấm bằng khen của Đảng, của Nhà nước, Tỉnh ủy Cao Bằng... trao tặng vì có công tham gia giữ vững chủ quyền an ninh biên giới... đây là như báu vật của già treo kín cả một góc nhà.

Rời Nhỉ Đú, lời già Phống dạy các con khiến chúng tôi nhớ mãi suốt cả chặng đường về Thủ đô: “Còn khỏe, già còn trông coi cột mốc, đến khi chân không bước được nữa thì các con phải thay già tiếp tục cùng Bộ đội biên phòng bảo vệ sự thiêng liêng của Tổ quốc, không cho bất kỳ ai xâm phạm đến cột mốc của chúng ta”.

Lời kết

Vùng biên cương phên giậu Hà Quảng mãi mãi là sự thiêng liêng của mỗi người dân, của các bậc tiền nhân về toàn vẹn lãnh thổ và trường tồn của đất nước. Sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của đồng bào các thế hệ ở Nhỉ Đú với chủ quyền thiêng liêng của đất nước được hình thành, vun đắp và phát triển qua nhiều thế hệ. Xin mượn vài lời thơ của nhà thơ Lại Duy Bến trong bài Cột mốc thay cho lời kết:

Mỗi tấc đất biên cương Tổ quốc

thấm đẫm máu xương

vương vấn hồn người

Mấy ngàn năm

dựng nước và giữ nước

thế hệ nào

Tổ quốc cũng thiêng liêng...

Già Phống - nửa thế kỷ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc vùng phên giậu Hà Quảng.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/gia-phong-nguoi-nua-the-ky-giu-cot-moc-mien-bien-vien-ha-quang-726696