Gia Phương tích cực chuẩn bị cho ngày khai hội

Những ngày này, ở xã Gia Phương (huyện Gia Viễn), cờ Tổ quốc, cờ lễ hội được chăng treo dọc tuyến đường dẫn vào Khu di tích lịch sử quốc gia đền vua Đinh; đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; các hội, đoàn thể và nhân dân hăng say tập luyện các tiết mục văn nghệ, thể thao… Và đối với những người con xa quê, ai cũng cố gắng sắp xếp công việc để được về dự khai hội Đền vua Đinh (thôn Văn Bòng), về với nguồn cội trong dịp đặc biệt này.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương còn giữ nhiều nét cổ kính, trầm mặc. Ảnh: Minh Quang

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương còn giữ nhiều nét cổ kính, trầm mặc. Ảnh: Minh Quang

Ông Nguyễn Văn Bảng quê ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Ông Bảng xa quê, lập nghiệp ở trong Nam từ nhiều năm nay. Xa quê hơn nửa đời người, năm nay ông Bảng mới có dịp trở về đúng vào dịp quê hương chuẩn bị khai hội Hoa Lư. Ông Bảng tâm sự: Vì ở xa, lại bận công tác nên tôi chưa có dịp để về quê dự hội. Xưa là hội Trường Yên, nay được đổi tên là Lễ hội Hoa Lư. Năm vừa rồi, tôi nghỉ hưu theo chế độ, điều mong muốn được thực hiện đầu tiên của tôi là trở về quê trẩy hội vào ngày mùng 10 tháng 3.

Trong hành trình về nguồn lần này, tôi và các con cháu cũng đã được về thăm Đền thờ vua Đinh ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn), nơi đây là quê gốc, nơi đức vua sinh ra và cũng là quê hương của nhiều danh tướng triều Đinh. Đền làng đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc. Thật may mắn cho chúng tôi khi tới thăm Đền thờ vua Đinh vào đúng dịp địa phương cũng đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho ngày khai hội làng, cùng với ngày khai hội Hoa Lư. Đặc biệt, được xem các thành viên trong đội tế lễ của thôn luyện tập, trong lòng tôi cũng náo nức, hệt như cảm xúc khi được mẹ cho đi trẩy hội từ thuở thiếu thời.

Tham gia vào đội tế lễ của thôn từ nhiều năm nay, bà Tạ Thị Xếp chia sẻ: Nội dung phần lễ gồm các nghi thức: Lễ tế cáo yết, Lễ dâng hương, Lễ tế chính, Lễ tạ. Từ nhiều năm qua, tôi tham gia vào đội tế lễ của thôn. Ngày khai hội đang tới rất gần, các thành viên trong đội tế lễ cũng dành nhiều thời gian để tập luyện các nghi thức. Ai cũng cố gắng để thực hiện nghi lễ truyền thống một cách trang trọng, thành tâm, thể hiện trọn vẹn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh, tri ân công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trăm dân vui vẻ. Ngoài tham gia vào đội tế lễ, cũng như mọi người dân khác ở trong thôn, tôi cũng cố gắng thực hiện nhiều phần việc thiết thực như treo cờ Tổ quốc, vệ sinh đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp… Đặc biệt, tôi cùng các thành viên trong gia đình, dòng họ cũng chuẩn bị các phẩm vật chu đáo, để thành tâm dâng lễ vào ngày khai hội.

Ông Đào Văn Duy, thủ từ Đền vua Đinh cho biết: Khách đến dâng hương, tham quan cảnh đền làng thì quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là những ngày tháng Ba, khi quê hương chuẩn bị đến ngày khai hội. Không chỉ người dân trong xã, con em xa quê mà du khách thập phương cũng nhân tiết tháng Ba đã về dâng hương tưởng nhớ công đức vua Đinh Tiên Hoàng.

Lễ hội đền làng có từ rất lâu đời. Đối với nhân dân địa phương, mặc dù đời sống ngày càng hiện đại, song những phong tục truyền thống trong ngày hội vẫn được nâng niu, giữ gìn như một báu vật. Trong ngày này, ai cũng thành tâm dâng lễ, cầu sức khỏe, bình an đến với mọi nhà. Đó không chỉ là sự tôn kính dành cho bậc quân vương, mà còn là cảm xúc thân thương, gần gũi như thể con cháu trở về đoàn tụ trong ngày giỗ của tổ tiên, cha ông mình vậy.

Đặc biệt, dịp này, các nhà trường trên địa bàn đều tổ chức cho học sinh tham gia lễ hội, qua đó góp phần giáo dục cho các em hiểu thêm về lịch sử của một triều đại của vị Vua có công đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân. Từ đó, tiếp thêm nghị lực, bồi tụ thêm lòng tự hào dân tộc và khơi gợi ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, cộng đồng, hướng các em về với cội nguồn.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là Đền vua Đinh ở thôn Văn Bòng mở hội. Đây là dịp con cháu gần xa được hội tụ sau một năm vất vả mưu sinh khắp mọi miền. Chẳng cứ già hay trẻ, nam hay nữ, ai cũng có ý thức để gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội làng với mong muốn lễ hội thực sự là nơi về nguồn đầy ý nghĩa. Ngày làng mở hội cũng là dịp địa phương được đón du khách gần xa. Nhiều du khách khi về trẩy hội Hoa Lư cũng đã thực hiện chuyến đi về nguồn, trở lại thăm nơi sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng.

Ông Đinh Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Để lễ hội làng diễn ra trang trọng, vui tươi, hàng năm, chuẩn bị đến ngày khai hội, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh về ý nghĩa của lễ hội; ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo vệ di tích. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh…

Các tổ chức, đoàn thể căn cứ vào nhiệm vụ được giao tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê; treo cờ Tổ quốc…, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi về trẩy hội. Đối với những người được phân công tham gia trực tiếp vào các hoạt động của lễ hội đều tự giác, chủ động và tích cực tập luyện để chuẩn bị các tiết mục, phần việc được giao nhằm góp phần vào thành công của lễ hội.

Thông qua các hoạt động lễ hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong xã thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-phuong-tich-cuc-chuan-bi-cho-ngay-khai-hoi/d20230426080750457.htm