Giá rửa xe máy tăng gấp 2,5 lần, ô tô có nơi 'hét' giá 300.000 đồng
Trong 3 ngày qua (ngày 28, 29 vào 30 tháng Chạp), tức từ ngày 19 - 21/1/2023, lượng khách có nhu cầu rửa xe máy và ô tô tại Hà Nội khá sôi động, giá cả tăng mạnh theo từng ngày. Đặc biệt, ngày 30 Tết, do nhiều thợ rửa xe về quê nên công rửa xe tăng vọt.
Rửa xe ‘hút’ khách nhưng lượng khách giảm so với Tết năm ngoái
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại phố Kim Mã, Võ Thị Sáu, Hào Nam, phố An Trạch.. (Hà Nội), giá rửa xe máy ngày 29 và 30 Tết Âm lịch phổ biến ở mức 50.000 đồng/xe. Giá rửa ô tô được “hét” từ 200.000 - 300.000 đồng/xe; nếu chỉ rửa vỏ thân ngoài, giá sẽ giảm hơn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh Nguyễn Quốc Dũng, ngõ 402 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Ngày thường, tôi rửa xe ô tô 7 chỗ tại phố Võ Thị Sáu là 70.000 đồng/xe; phố Trần Quốc Toản là 100.000 đồng/xe. Tuy nhiên vào sáng 30 Tết, tức ngày 21/1/2023, đồng loạt cửa hàng rửa xe ở phố Võ Thị Sáu đều đòi giá từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/xe, có nơi báo giá 200.000 đồng/xe nhưng cửa hàng rửa xe không chuyên nghiệp”.
Tại bãi An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, giá rửa xe ô tô ngày thường là 100.000 đồng/xe, nếu đi sâu vào ngõ, có cơ sở rửa xe báo giá 80.000 đồng/xe nhưng từ 28 Tết Âm lịch đến nay, giá rửa xe ô tô đều được niêm yết là 200.000 đồng/xe. “Do giá rửa xe tăng gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần so với trước nên tôi cho xe ra ngoài cửa, kéo vòi dài tự xịt, rửa”, chị Nguyễn Minh Thu ngõ 32 An Dương, quận Tây Hồ chia sẻ.
Trong 2 ngày qua, một vài cơ sở rửa xe ô tô trên phố Hào Nam luôn tấp nập khách ra vào rửa xe, dọn nội thất. Mỗi chủ ô tô phải bỏ ra 200.000 đồng cho dịch vụ rửa xe và hút bụi, thậm chí nhiều nơi tăng gấp đôi lên tới 300.000 đồng. Trung bình, thợ hoàn thành một xe 4 chỗ chỉ khoảng từ 15 - 20 phút, trong khi ngày thường trung bình là nửa tiếng. Với xe máy, hai nhân viên sẽ tập trung làm trong khoảng 10 phút, thay vì một người. "Giá tăng cao một phần là do chủ hàng phải thuê thêm nhân viên ngoài với mức lương ngày Tết", một chủ cửa hàng rửa xe phố Hào Nam cho biết.
Nếu như 2 ngày qua, lượng khách tới rửa xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Khánh Toàn khá đông thì tại phố Kim Mã hay đường Võ Chí Công, số khách tới rửa xe không quá đông so với cùng kỳ 2 năm trước.
Chủ cơ sở rửa xe máy tại 40 phố Kim Mã, anh Hoàng Văn Chiến chia sẻ: “Dịp Tết này, lượng khách sụt giảm nhiều so với cùng kỳ của 2 năm trước. Nếu như những ngày cận Tết năm ngoái, lượng khách tới là 70 – 100 người thì năm nay, cả ngày 29 Tết, số xe máy nhận được chỉ là trên 20 xe. Cơ sở chỉ có tôi và 1 người phụ rửa trong khi năm ngoái có tổng 5 người làm”.
Dịch vụ làm đẹp: Nơi vắng, nơi đông
Đối với dịch vụ cắt tóc, làm đẹp trong những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều salon lớn, nhỏ vẫn có khách nhưng không tăng quá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt trước khi chưa có COVID-19 bởi thu nhập của nhiều người dân sụt giảm, phải thắt chặt chi tiêu. Một số cửa hàng làm tóc có thương hiệu lớn vẫn đông khách vì đối tượng khách có thu nhập tốt, họ chỉ cần làm đẹp để đi chơi Tết, không quá để ý giá cả.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nhà tạo mẫu tóc Hoàng Thế Cường, 377 Lâm Du, Long Biên cho biết: “Những ngày cận Tết năm nay, lượng khách tới làm đẹp tại Salon có đông hơn so với 2 năm đại dịch bùng phát, đặc biệt ngày 30 Tết, cửa hàng vẫn có khách. Giá tôi vẫn giữ nguyên nhưng mấy ngày nay, giá cả một số mặt hàng ngoài chợ lại tăng mạnh. Hiện giá gội đầu ngoại là 100.000 đồng bao gồm massage, nếu giảm đau cổ vai gáy là 200.000 đồng/người; uốn ép có giá từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/người, thuốc dùng là hãng Cab's của Pháp".
Còn tại phố Hồng Mai, chủ cơ sở "Tóc Đẹp" than thở: "Dịp Tết này, lượng khách có nhu cầu gội, sấy đông hơn ngày thường nhưng vắng hơn nhiều so với cùng kỳ mấy năm trước. Xu hướng người dân tiết giảm chi tiêu, đặc biệt người lao động".
Theo chủ một tiệm làm tóc nữ (Đống Đa, Hà Nội), lượng khách tới bắt đầu tăng mạnh từ sau Rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch). Cao điểm, cả 10 ghế tại salon kín khách, nhiều khách phải ngồi trên giường gội. “Mình nhận khách muộn nhất là 7 giờ tối, nếu khách làm từ 2 dịch vụ trở lên, uốn nhuộm hoặc ép nhuộm, tốn 4 - 5 tiếng/người. Chưa kể, một số khách làm mẫu phức tạp, màu nhuộm cần tẩy thì có thể lâu hơn”, chị Thu Huệ, chủ tiệm tóc cho biết.
Thường ngày, tiệm chỉ có 5 - 6 thợ chính, nhưng tới Tết thì phải tuyển thêm, cho học viên học nghề làm phụ. Tổng số nhân viên tăng gấp đôi, mỗi ngày có thể nhận khoảng 30 - 40 lượt khách. Chủ tiệm cho biết: Vì khách đông, nên nếu mỗi người trễ hẹn 1 chút, người sau phải đợi cả tiếng đồng hồ. Dù vậy, khách hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi, không có tình trạng hủy lịch.
*Clip về dịch vụ rửa xe và làm đẹp trong những ngày cận Tết: