Giá sách giáo khoa còn quá cao, hơn 2-3 lần những năm trước

Sáng 2/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để có cơ sở đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổng hợp tình hình nhân dân về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022. Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

BĂN KHOĂN VỀ SỰ ĐỘC QUYỀN, LỢI ÍCH NHÓM

Theo báo cáo, các bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, hình ảnh và chữ đẹp, rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản ánh, cấu trúc giữa các bài học trong một số sách giáo khoa chưa đảm bảo đủ các thành phần theo đúng quy định; một số câu hỏi đặt ra chưa rõ ràng và sát với nội dung bài học.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Đông.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Đông.

Một số sách giáo khoa mắc nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh; một số sách có nội dung chưa phù hợp, chưa mang tính giáo dục, thậm chí gây phản cảm.

Nhiều ý kiến đồng tình việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa song cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, quản lý của Nhà nước; quan tâm việc lựa chọn đơn vị có đủ khả năng tham gia xã hội hóa, tránh lợi ích nhóm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm. Phải xác định thực hiện xã hội hóa cần thận trọng, minh bạch, để sách giáo khoa khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng tốt nhất, hàng đầu.

Mặt khác, việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn, phát hành nhiều bộ sách giáo khoa gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn bộ sách theo yêu cầu của nhà trường, ảnh hưởng đến các học sinh chuyển trường khi các trường giảng dạy theo các bộ sách khác nhau.

Giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi phải thay đổi cách dạy cho phù hợp. Nội dung tri thức của các môn học trong sách giáo khoa chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức của học sinh, trong khi tri thức trên internet lại rất đa dạng và sinh động.

Bên cạnh đó, người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành Sách giáo khoa và giá sách giáo khoa còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước, nên ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

GIÁO VIÊN GẶP KHÓ VỚI CÁC MÔN TÍCH HỢP

Về đội ngũ nhà giáo, báo cáo thể hiện, ngành giáo dục còn khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ giáo dục nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong 1 lớp học ở một số thành phố lớn quá đông (60 học sinh).

Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%.

Việc bố trí, sử dụng giáo viên dạy các môn “tích hợp”, các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở năm 2018 gặp khó khăn do giáo viên các môn (Hóa học, Sinh học, Vật lí) chưa được bồi dưỡng để giảng dạy “tích hợp”. Ngoài ra, lương cơ bản của giáo viên hiện nay còn thấp chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo kinh tế thị trường.

Với những áp lực này, kể cả khi có chương trình mới, người dân lo ngại vẫn sẽ có giáo viên duy trì dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.

CẦN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề xuất một số kiến nghị cụ thể. Theo đó, đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực hiện giám sát nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉđạo, tổ chức.

Rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51. Nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí.

Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý. Tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên qua cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng chương trình, sách giáo khoa phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy để đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá trong quá trình thực hiện để hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.

Tham mưu Chính phủ tăng cường biên chế giáo viên cho các cở sở giáo dục. Đổi mới thành phần của Hội đồng biên soạn chương trình và sách giáo khoa để đưa những người có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp vào Hội đồng (thành viên Hội đồng không nhất thiết là giáo sư hay nhà quản lý)….

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-sach-giao-khoa-con-qua-cao-hon-2-3-lan-nhung-nam-truoc.htm