Giá sầu riêng nóng nhưng chớ để 'bỏng tay'
Ngành hàng sầu riêng Việt Nam nóng về giá, sự ồ ạt mở rộng diện tích và sức hút lớn từ thị trường Trung Quốc. Và phía sau sức nóng còn có những lo ngại về chất lượng, nếu không dễ 'bỏng tay'.
Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 41 nghìn tấn sầu riêng, xấp xỉ sản lượng xuất khẩu trong năm 2022. Đây tiếp tục là con số cao kỷ lục.
Hút thị trường Trung Quốc
Theo bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc tấp nập sang Việt Nam mua hàng. So về giá, sầu riêng Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan. “Giống Monthong Thái Lan trồng ở Việt Nam được thương lái Trung Quốc đổ xô tới mua hàng. Nhiều người Trung Quốc ở vựa sầu riêng của Việt Nam để đóng hàng và xuất khẩu”, bà Giang cho hay.
Đại diện Vĩnh Khang cho biết, vụ sầu riêng được thu hoạch gần như quanh năm, vì vậy mỗi vụ, doanh nghiệp này có thể xuất khẩu hơn 60 container sầu riêng tươi.
Theo bà Giang, nhiều đối tác Trung Quốc tìm tới doanh nghiệp với ngỏ ý mua hàng. Tuy nhiên, Vĩnh Khang chỉ lựa chọn một số đơn vị uy tín để hợp tác. Đặc biệt, họ ngỏ ý mua trái sầu riêng Việt Nam từ khi ra hoa, đầu tư vốn cho phía nông dân trồng trọt, canh tác theo yêu cầu.
Trong khi đó, ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn), cho biết Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Năm 2023, Thái Lan duy trì đà tăng trưởng, với vị trí top 1 xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt trị giá 4,57 tỷ USD, nhưng thị phần giảm xuống 65,1%, trong khi đó thị phần Việt Nam tăng từ mốc 5% vào 2022 lên 34,6% vào năm 2023.
Tuy vậy, ông Trung thẳng thắn cho rằng sầu riêng Việt Nam đang thua về chất và lượng so với Thái Lan. Thái Lan đưa ra quy định sầu riêng muốn xuất khẩu phải đạt tối thiểu tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Thậm chí, họ đã làm khắt khe hơn tiêu chuẩn của nước nhập khẩu như tự động đưa tiêu chuẩn về chất khô trong trái sầu riêng lên đến 32% (bình thường chất khô sẽ chiếm 28 – 29%). Đạt được yêu cầu, cơ quan chức năng mới cho phép mở tờ khai xuất khẩu lô hàng, mang lại giá trị cao cho ngành hàng tỷ USD.
Cũng là đơn vị xuất khẩu sầu riêng, song ông Trung cho rằng phía Việt Nam đang thả nổi chất lượng xuất khẩu. Thậm chí, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng, 90% doanh nghiệp làm thuê cho Trung Quốc trong công đoạn gia công, bị áp lực về sản lượng, thời gian giao hàng nên đôi lúc không có đủ thời gian gia công quả sầu riêng đạt chất lượng đủ khô để xuất khẩu sang Trung Quốc. Không đạt độ khô dẫn tới nấm mốc, hư hỏng; lô hàng không đạt phun trùng, làm thất thoát giá trị của quả sầu riêng rất lớn.
Vẫn đau đầu về chất lượng
Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật cho hay, từ sau khi Nghị định thư “yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc” được ký kết, diện tích và sản lượng sầu riêng có tốc độ tăng trưởng nóng. Nhiều diện tích trồng cây ăn quả, cây lâu năm kém hiệu quả đã được phá bỏ và thay thế bằng cây sầu riêng.
“Diện tích sầu riêng tăng từ 60.000 ha năm 2018 lên hơn 110.000 ha năm 2023, tăng gần gấp đôi chỉ sau 5 năm. Sản lượng tăng từ 420.000 tấn năm 2018 lên hơn 900.000 tấn năm 2023, gấp hơn 2 lần. Tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng sầu riêng trung bình trên 20%/năm”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.
Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm (gian lận, mạo danh, không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…) trong sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Công tác giám sát chưa hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, làm cho có dẫn đến tình trạng gian lận, vi phạm quy định của nước nhập....
Đáng chú ý, liên quan tới chất lượng, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được cảnh báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về 30 lô hàng sầu riêng vượt mức cadimi tối đa cho phép. Ngay sau đó, Cục đã gửi văn bản cho địa phương, doanh nghiệp điều tra nguyên nhân. Nguyên nhân chưa xác định được nhưng theo phán đoán có thể đến từ nhiều nguyên nhân bị nhiễm Cadimi như đến từ đất, nguồn nước, hoặc có thể do khí thải nhà máy, cũng có thể xử lý sau thu hoạch...
Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra nguyên nhân chính xác việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi.
"30 lô hàng, đây là số liệu phía Trung Quốc thông báo lại từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc từ 17/9/2022. Hiện tại, chưa ảnh hưởng gì về xuất khẩu sầu riêng nói chung. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cảnh báo để Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân, khắc phục tình trạng trên", đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị các đơn vị sản xuất điều chỉnh vật tư đầu vào, điều chỉnh một số biện pháp canh tác, sử dụng phân chuồng hợp lý. Trước khi xuất khẩu nên kiểm tra chất lượng để tránh rủi ro khi Trung Quốc thông báo hoặc áp dụng biện pháp cụ thể.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong lúc sầu riêng được giá tốt, thì chúng ta cần phải lưu ý chất lượng, thương hiệu để đảm bảo phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.