Giá SIM rác 'chợ đen' tăng cao do bị siết chặt quản lý
Do liên tục bị siết chặt quản lý, SIM không chính chủ, được kích hoạt sẵn đang giảm dần. Điều này đã đẩy giá SIM rác trên thị trường 'chợ đen' tăng cao.
Thời gian gần đây, tình trạng mua bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đã có dấu hiệu giảm dần. Tuy vậy, giá SIM rác, SIM kích hoạt sẵn lại đang có dấu hiệu tăng mạnh.
Kết quả khảo sát được VietNamNet thực hiện với 20 đại lý bán SIM tại Hà Nội cho thấy, giá SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng lớn hiện đang được rao bán phổ biến trong khoảng từ 190.000 - 250.000 đồng. Với các nhà mạng nhỏ hơn, mức giá thấp nhất được ghi nhận cũng khoảng 100.000 đồng. Đây là giá SIM đã đi kèm với gói cước dữ liệu.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng 4 năm nay, ở thời điểm đó, giá SIM kích hoạt sẵn kèm với gói data của các nhà mạng lớn được bán phổ biến trong khoảng từ 150.000 - 165.000 đồng. SIM rác của các nhà mạng ít phổ biến hơn có thể tìm mua với giá 80.000, thậm chí 50.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy giá SIM rác, SIM kích hoạt sẵn hiện đã cao hơn hẳn so với thời điểm chỉ 5 tháng trước đây. Mức chênh lệch này tương đương khoảng 20-30% giá SIM rác đang được các đại lý chào bán.
Khi được hỏi vì sao giá SIM tăng cao, một chủ đại lý trên phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhiều SIM kích hoạt sẵn đã bị thu hồi, các nhà mạng cũng đang quản lý rất chặt việc kích hoạt SIM. SIM rác vì thế không rẻ như trước nữa”.
Trao đổi với VietNamNet, theo đại diện một nhà mạng ảo, để ngăn chặn tình trạng bày bán SIM kích hoạt sẵn, đơn vị này đã tạm thời ngừng việc kích hoạt SIM từ các đại lý được khoảng 1 tuần nay.
Không chỉ vậy, đơn vị cũng đã tiến hành rà soát lại kho SIM tồn của các đại lý. Với những SIM có dấu hiệu bị kích hoạt sẵn, một chủ thuê bao đứng tên nhiều SIM bất thường, trường hợp này cũng sẽ bị khóa lại để kiểm tra cho chính xác.
Trong trường hợp các đại lý muốn tiến hành xác thực, đăng ký cho người mua SIM, họ sẽ phải gọi lên nhà mạng để được cử người trực tiếp qua hỗ trợ.
“Việc này tuy tốn thời gian nhưng là biện pháp tạm thời nhằm đảm bảo các thuê bao mới là người dùng chính chủ. Chúng tôi cũng đã phát triển thêm giải pháp xác thực để hỗ trợ việc đăng ký thuê bao online”, đại diện nhà mạng cho biết.
Lý giải về việc vẫn còn tìm mua được SIM rác tại các đại lý, người này cho rằng, đây là số SIM đã được các chủ đại lý kích hoạt từ trước đó.
“Có thể vẫn còn một lượng SIM đã kích hoạt nhưng chưa bị phát hiện, thu hồi nằm trong tay chủ các đại lý. Ngoài ra, nhiều chủ đại lý còn bỏ tiền thuê sinh viên, công nhân đăng ký SIM hộ. Đây là nguồn gốc số SIM rác đang được bán trên thị trường, cũng là một phần nguyên nhân đẩy giá SIM rác tăng cao”, vị chuyên gia chia sẻ.
Tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ TT&TT, tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, có thể đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác cũng đã được Thứ trưởng Phạm Đức Long xác nhận.
Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh. Theo đó, thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung phát triển các kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín. Điều này nhằm giám sát, đảm bảo các thuê bao mới phát triển là chính xác.
Trong vài tháng trở lại đây, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Từ đây, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Trước đó, trong 2 tháng 5 và 6, Bộ TT&TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh thành, địa phương.
Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều SIM thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều SIM, lưu thông ra thị trường.
Chính việc liên tục rà soát, kiểm tra nhằm loại bỏ SIM rác của Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đã khiến SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên thị trường “chợ đen” trở nên khan hiếm. Đây cũng là lý do giải thích cho việc giá SIM rác tăng cao thời gian qua.