Gia tăng bệnh lý do ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, đang tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Điều đáng nói là các bệnh lý đang có dấu hiệu gia tăng do ảnh hưởng từ chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Tại hội thảo vừa tổ chức liên quan đến kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, thực trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Các chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức trung bình đến kém. Đặc biệt, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và TPHCM thường xuyên vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Không dừng lại ở đó, ô nhiễm không khí ngày càng mở rộng về mặt không gian và không còn mang tính thời điểm. Những ảnh hưởng tiêu cực đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, đời sống sinh hoạt cũng như làm suy giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Theo WHO, ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính có khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

TS Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế Công cộng) cho biết: Những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí chủ yếu ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người, gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng. Những người có sẵn bệnh lý về hô hấp cũng dễ gặp các triệu chứng nặng. Người bệnh sẽ thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Ngoài các bệnh về hô hấp, các bệnh về da cũng tăng cao tại thời điểm này. Trong đó, bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân chính gây viêm da, mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn, đang tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Đặc biệt, nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính và những lao động làm việc ngoài trời chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dẫn chứng từ các nghiên cứu trong nước, bà Hương cho biết, ô nhiễm không khí có mối liên hệ rõ rệt với sự gia tăng các bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim; cũng như một số vấn đề về da và niêm mạc. Không khí ô nhiễm cũng là nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, kéo theo chi phí và thời gian điều trị tăng, gây quá tải cho hệ thống y tế và làm giảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Một nghiên cứu từ năm 2021 cũng cho thấy, sự ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nồng độ PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô (tháng 11 đến tháng 4) có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ. “Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là bài toán lớn đối với ngành y tế. Nó tạo ra áp lực ngày càng lớn lên hệ thống bệnh viện, đồng thời đe dọa trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng điều trị” – bà Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Trước thực trạng nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và từng người dân trong việc chủ động bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là môi trường không khí. Bên cạnh đó, bà Hương cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và doanh nghiệp tăng cường chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý chất lượng không khí và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra cảnh báo, chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay. Nếu không có hành động quyết liệt, chúng ta sẽ phải đánh đổi bằng chính những thành quả y tế đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua. Bà khẳng định WHO sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết vì một tương lai xanh và khỏe mạnh hơn.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-tang-benh-ly-do-o-nhiem-khong-khi-10305229.html