Gia tăng bệnh nhân nhập viện do sởi
Thời tiết chuyển mùa làm gia tăng số bệnh nhân mắc sởi phải đến điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Không chỉ trẻ em chưa được tiêm vắc-xin mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh.
Trẻ em và cả người lớn nhập viện vì mắc sởi
Thấy con trai 9 tháng tuổi sốt cao nhiều ngày không dứt, trên người xuất hiện các nốt phát ban, tối 24/2, chị Hoàng Thị Đào (sinh năm 1998), trú tại xã Tiên Nha (Lục Nam) đưa con đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khám, được xác định bị mắc bệnh sởi.

Nhân viên Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang nắm bắt tình hình sức khỏe bệnh nhi mắc sởi.
Theo chị Đào, khoảng 1 tuần trước, thấy con bị sốt, ho nên gia đình mua thuốc về cho bé uống song các triệu chứng không giảm. Trước khi đến bệnh viện một ngày, cháu bé sốt cao kèm theo nổi ban ở mặt, sau gáy, sau đó lan ra toàn thân, kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết, ngoài trường hợp trên, từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận hơn 10 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 1 trường hợp phải đặt ống nội khí quản, 2 trường hợp phải thở ô xy. So với cùng thời điểm năm 2024, năm nay số bệnh nhi mắc bệnh sởi tăng đột biến, trong đó có 3 trường hợp nặng phải chuyển tuyến trung ương. Trẻ bị bệnh chủ yếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc-xin phòng sởi.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 5 năm gần đây, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, số ca mắc thấp. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024 đến nay, số trường hợp mắc sởi có xu hướng tăng cao. Cụ thể, chỉ trong khoảng 2 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 37 trường hợp dương tính với virus sởi trong khi cùng kỳ năm 2024 không phát hiện ca nào. Các ca bệnh sởi xuất hiện ở 8/10 huyện, thị xã, thành phố (huyện Sơn Động và thị xã Chũ chưa ghi nhận ca bệnh tính đến thời điểm này); trong đó thị xã Việt Yên có số ca mắc cao, chiếm 41% tổng số ca bệnh toàn tỉnh.
Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ đầu năm đến nay thường xuyên có từ 2-5 bệnh nhân điều trị. Tại thời điểm trưa 25/2, Trung tâm đang có 4 bệnh nhi bị sởi phải vào điều trị, 100% chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi.
Đáng chú ý trong số bệnh nhân nhập viện điều trị sởi có các trường hợp đã lớn tuổi như: Anh Nguyễn Đức H (48 tuổi), trú tại phường Ngô Quyền; anh Nguyễn Văn Q (41 tuổi), trú tại phường Dĩnh Kế (cùng thành phố Bắc Giang)… Bác sĩ Dương Thị Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Do chủ quan nghĩ rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên cả hai trường hợp trên không đi khám, điều trị sớm. Chỉ đến khi xuất hiện sốt kèm theo nổi ban, người bệnh mới đến cơ sở y tế thăm khám nên bệnh đã toàn phát, dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm”.
Tiêm vắc-xin, tạo lá chắn hiệu quả
Theo các bác sĩ, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người, thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ biến chứng như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… Vì vậy, tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Các loại vắc-xin phòng sởi có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Khi tiêm đủ 2 mũi, vắc-xin phòng sởi đạt hiệu quả lên tới 98%.
Trong tháng 1/2025, số trẻ từ 9 đến dưới 12 tháng tuổi được tiêm phòng mũi sởi đơn trên địa bàn tỉnh là 1.707 trẻ, đạt 6,6% so với kế hoạch năm. Cùng đó, các cơ sở y tế tiêm hơn 1,9 nghìn liều vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 18 đến dưới 24 tháng tuổi, đạt 7,4% so với kế hoạch năm. Chị Đặng Mai Phương (sinh năm 1990), trú tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) cho biết: “Dù con trai tôi đã được 12 tháng tuổi song do mỗi dịp tiêm chủng mở rộng cháu lại bị ốm nên chưa được tiêm vắc-xin sởi. Ngày 21/2, thấy cháu bị sốt, trên người nổi các nốt phát ban nên tôi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sĩ cho biết cháu đã bị bệnh sởi”.
Để tăng cường miễn dịch với bệnh sởi, ngày 18/2/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh cho nhóm đối tượng từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phân bổ 6,4 nghìn liều vắc-xin sởi và hơn 4,4 nghìn liều vắc-xin sởi - rubella cho 10 huyện, thị xã, thành phố để tiêm chủng thường xuyên trong quý I. Đồng thời dự trù 9 nghìn liều vắc xin sởi và 8,8 nghìn liều vắc-xin sởi-rubella, bảo đảm hoạt động tiêm phòng diễn ra liên tục.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để phòng ngừa bệnh sởi, các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Khi có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần sớm cách ly và đưa người nghi mắc bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện”.