Gia tăng bệnh viêm não hiếm gặp do biến chứng zona

Viêm não do biến chứng từ zona là một bệnh hiếm với tỷ lệ 1/33.000-50.000 ca bệnh nhưng lại có tỷ lệ tử vong tới 15% nếu không được điều trị sớm. Các bác sĩ cảnh báo căn bệnh hiếm gặp này đang gia tăng nên người dân tuyệt đối không thể chủ quan.

 Bệnh nhân mắc viêm não hiếm gặp do biến chứng zona thần kinh được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân mắc viêm não hiếm gặp do biến chứng zona thần kinh được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: BVCC

Hôn mê, thở máy do biến chứng zona thần kinh

BS.CKII Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Phó trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh (bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), cho biết, khoa Nhiễm Việt - Anh đang điều trị cho 2 bệnh nhân zona biến chứng viêm não. Cả hai đều là người cao tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn tri giác, liệt tay chân nhưng dấu hiệu Zona ngoài da lại vô cùng mờ nhạt, dễ bị bỏ sót.

Trường hợp đầu tiên là bà D.T.P. (87 tuổi, quê Lâm Đồng), có vết mụn rộp zona đã đóng vảy ở ngực trái. Tại bệnh viện tuyến dưới, bà được chẩn đoán đột quỵ, sau đó là viêm não - màng não, chưa xác định được tác nhân.

Còn bệnh nhân nam 63 tuổi ở TPHCM, có vết mụn rộp đã mờ ở mặt trong bắp tay phải. Ông cũng được chẩn đoán chưa chính xác ở tuyến dưới, được chuyển tuyến nhiều lần, sau đó đến điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Các bác sĩ tại khoa Nhiễm Việt - Anh đã tiến hành xét nghiệm chuyên sâu và phát hiện nguyên nhân do biến chứng của zona gây viêm não. Hiện hai bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, an thần, thuốc kháng virus.

Bệnh nhân nữ còn vẫn lệ thuộc máy thở và chưa có dấu hiệu tỉnh, đã được điều trị hơn một tháng. Tương tự, bệnh nhân nam điều trị 2 tuần, chưa tỉnh táo hoàn toàn, phải thở oxy.

Bác sĩ Nguyệt Oanh cho hay: "Triệu chứng không điển hình khiến cho bệnh khó nhận biết, khó điều trị chuẩn xác từ đầu. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã làm thêm xét nghiệm dịch não tủy để xác định chính xác tác nhân gây bệnh".

Trước đó, bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cũng từng ghi nhận trường hợp bệnh zona biến chứng viêm não. Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.T.H, 60 tuổi. Trước đó 10 ngày tự dưng bà H. thấy đau râm ran vùng cổ, vai, lưng bên phải.

Khi cơn đau lan lên đầu, kèm theo hạch to ở cổ, bà đi khám tại bệnh viện Da liễu Trung ương và được chỉ định nhập viện vì zona biến chứng gây bội nhiễm, viêm não. Tương tự, bệnh nhân Đ.P.T (65 tuổi) bị phù nề mắt và nửa bên mặt, họng và tai nhiều bọng nước gây đau đớn. Bệnh nhân nhập viện vì đau đầu, chóng mặt, nôn do zona biến chứng loét giác mạc, viêm màng não.

Bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm

Theo bác sĩ bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, zona là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-zoster gây ra. Về cơ chế gây bệnh, sau khi bệnh nhân bị thủy đậu, virus vẫn tồn tại trong các hạch thần kinh.

Khi bệnh nhân bị tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc lão hóa miễn dịch do tuổi già thì virus tái hoạt động gây nên bệnh cảnh zona (dân gian gọi là bệnh giời leo) với đặc điểm bỏng rát, nổi mụn nước dọc theo đường dây thần kinh cảm giác.

Zona không chỉ là bệnh ngoài da mà con gây nên các biến chứng nguy hiểm gồm biến chứng đau thần kinh, biến chứng nhiễm trùng da, biến chứng ở mắt.

"Biến chứng thần kinh là biến chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ mắc bệnh 1/33.000-50.000 ca bệnh nhưng lại có tỷ lệ tử vong tới 15%. Khi virus tái hoạt, nó có thể theo sợi thần kinh đi ngược lên não hoặc xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương qua máu, phá vỡ hàng rào máu não, gây viêm não.

Virus có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, tế bào đệm, nội mô mạch máu, thậm chí gây nhồi máu não, xuất huyết não và tổn thương vĩnh viễn đến chức năng thần kinh. Các trường hợp này đòi hỏi cấp cứu nhanh nhất để kịp thời điều trị", bác sĩ Oanh phân tích.

Điều đáng lo ngại là các ca bệnh có đặc điểm chung là tổn thương da mờ nhạt, triệu chứng thần kinh không điển hình khiến việc chẩn đoán lâm sàng ban đầu dễ bị sai lệch.

"Các dấu hiệu thần kinh như đau đầu, sốt, lú lẫn, co giật, yếu liệt… dễ bị nhầm với đột quỵ, viêm màng não hoặc các bệnh lý thần kinh khác. Trong khi đó, tổn thương zona ngoài da đôi khi đã lành hoặc quá nhỏ để được chú ý khiến việc chẩn đoán sớm trở nên thách thức", bác sĩ Oanh cho biết.

Hiện nay, bệnh zona đã có thuốc kháng virus đặc hiệu. Tuy nhiên, các biến chứng như đau dây thần kinh kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm, viêm não, viêm phổi hay suy giảm trí nhớ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để phòng bệnh zona và các biến chứng nguy hiểm, theo bác sĩ Oanh, người dân cần tạo thói quen lối sống lành mạnh, gồm ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, ngủ đủ, tránh căng thẳng, quản lý bệnh nền, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh và đặc biệt là nên tiêm vaccine phòng zona.

"Người bệnh zona cần đặc biệt lưu ý nếu xuất hiện các biểu hiện thần kinh bất thường như đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức, yếu liệt… Dù đã hết tổn thương da, virus vẫn có thể đang âm thầm tấn công não. Nhận biết sớm, điều trị đúng, phòng ngừa từ gốc là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt ở người cao tuổi", bác sĩ Oanh cảnh báo.

Hoàng Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-tang-benh-viem-nao-hiem-gap-do-bien-chung-zona-20250708152330233.htm