Mỹ đối phó với dịch sởi nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm
Dù Mỹ tuyên bố đã xóa sổ bệnh sởi từ năm 2000 nhưng từ đầu năm đến nay, ở Mỹ đã có tổng cộng 1.277 ca sởi được xác nhận tại gần 40 trong số 50 bang, trong đó bang Texas chiếm hơn 60% số ca. Đây là số ca mắc sởi cao nhất ở Mỹ kể từ năm 1992.
3 người tử vong đều chưa tiêm vaccine
Ngày 7-7, Đại học Johns Hopkins đã công bố thống kê về bệnh sởi tại Mỹ. Theo đó trong năm nay, Mỹ đã ghi nhận đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm qua với 1.277 ca được xác nhận tại gần 40 bang trong cả nước. Các nhà chức trách cho biết, ít nhất 155 người đã phải nhập viện và 3 người đã tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh sởi, bao gồm hai trẻ em khỏe mạnh ở Texas và một người đàn ông ở New Mexico, tất cả đều chưa tiêm vaccine. Trong khi đó, chỉ có ba trường hợp tử vong do bệnh sởi được báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2024. Còn ca tử vong do sởi ở trẻ sơ sinh gần đây nhất xảy ra từ năm 2003, 3 năm sau khi Mỹ tuyên bố đã loại trừ hoàn toàn bệnh này nhờ chương trình tiêm chủng.

Tiêm vaccime phòng sởi cho trẻ ở bang Texas
Dữ liệu mới được công bố cho thấy, số ca nhiễm sởi hiện nay đã đạt mức nhiễm lớn nhất kể từ năm 1992, khi các quan chức ghi nhận hơn 2.100 ca nhiễm. Cô Claire Hannan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý tiêm chủng, một tổ chức quốc gia của các viên chức tiêm chủng cấp tiểu bang và địa phương, cho biết: “Thật là thảm khốc. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để loại bỏ mối đe dọa của bệnh sởi và ngăn chặn nó”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số tử vong thực tế trong đợt dịch lần này có thể còn cao hơn do tình trạng báo cáo thiếu. Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Bệnh viện nhi Philadelphia, cho biết: “Khi bạn nói chuyện với những người ở thực địa, bạn sẽ có cảm giác rằng đợt bùng phát này đã bị đánh giá thấp nghiêm trọng”. Các trường hợp được xác nhận dường như chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm lớn hơn nhiều”, ông nói.
Bệnh sởi được tuyên bố đã bị xóa sổ ở Mỹ vào năm 2000. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuyến thăm khám bác sĩ thường xuyên của trẻ em và các tổ chức chống vaccine chứng kiến nguồn quỹ của họ tăng lên trong suốt đại dịch, tỷ lệ tiêm chủng sởi đã giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng để ngăn ngừa bùng phát ở một số cộng đồng. Đáng chú ý, sởi đã xuất hiện tại các sân bay lớn của Mỹ, báo động nguy cơ lây truyền, thậm chí bùng phát dịch tại các điểm đến trong và ngoài nước. Hồi tháng 5-2025, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, du khách có thể mắc bệnh sởi ở nhiều địa điểm du lịch, bao gồm các trung tâm du lịch như sân bay và nhà ga xe lửa, trên phương tiện giao thông công cộng, tại các điểm tham quan du lịch và các sự kiện đông đúc.
CDC đã phải ra cảnh báo gửi tới nhân viên y tế, cán bộ y tế công cộng và du khách tiềm năng rằng “Dự kiến số ca mắc sẽ tiếp tục tăng khi đợt bùng phát này đang lan rộng nhanh chóng”. Cơ quan này cho biết với mùa du lịch xuân hè sắp đến tại Mỹ, vai trò của các bác sỹ lâm sàng và cán bộ y tế công cộng trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi là rất quan trọng. Họ cần cảnh giác với các ca bệnh phát ban có sốt đáp ứng định nghĩa ca bệnh sởi và chia sẻ các chiến lược phòng ngừa hiệu quả, bao gồm hướng dẫn tiêm chủng cho du khách quốc tế.
Nguy cơ “khoảng trống miễn dịch”
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và có thể gây thành dịch. Sởi do virus gây ra, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh mà thường khỏi trong vòng từ 7-10 ngày. Đây là một bệnh lưu hành, có nghĩa là nó liên tục xuất hiện trong cộng đồng. Sau khi mắc sởi, người đó sẽ được miễn dịch với sởi trong suốt quãng đời còn lại, khả năng mắc sởi lần thứ hai của họ tương đối thấp.
Virus sởi rất dễ lây lan, thường truyền qua các giọt bắn từ người nhiễm bệnh. Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh. Các triệu chứng của bệnh gồm sốt cao từ 39-40 độ C, người nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti. Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân. Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1-2 tuần sau các vết thâm mới biến mất và người bệnh phục hồi.
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng... Mặc dù hầu hết mọi người đều hồi phục, nhưng cứ 5 trẻ em bị nhiễm bệnh thì có một trẻ phải nhập viện, cứ 20 trẻ thì có một trẻ bị viêm phổi và cứ 1.000 trẻ thì có một trẻ bị viêm não, có thể dẫn đến tàn tật suốt đời. Căn bệnh này cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của vật chủ và dẫn đến nhiều ca nhiễm trùng trong tương lai. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh sởi có thể gây ra chứng rối loạn thoái hóa não không thể chữa khỏi.
Trước khi vaccine sởi được cấp phép vào năm 1963, ước tính mỗi năm có khoảng 3-4 triệu người Mỹ bị bệnh, 48.000 người phải nhập viện và khoảng 400-500 người tử vong. Chỉ tính riêng từ năm 1994 đến năm 2023, CDC ước tính vaccine sởi đã cứu sống 85.000 người và ngăn ngừa 104 triệu ca bệnh.
Từng được xem là đã bị loại trừ ở Mỹ nhờ tiêm vaccine nhưng giờ đây, căn bệnh này đang có xu hướng quay trở lại do tỷ lệ tiêm chủng giảm và sự chủ quan của người dân. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 10% dân số trưởng thành tại Mỹ (khoảng 25 triệu người) có thể đã mất khả năng miễn dịch với sởi, do chưa tiêm hoặc miễn dịch suy giảm theo thời gian. Dù vaccine sởi đạt hiệu quả bảo vệ đến 97% khi tiêm đủ 2 liều, nhưng tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ đang có xu hướng đáng lo ngại khi chỉ 92,7% trẻ mẫu giáo được tiêm trong năm học 2023 - 2024, giảm nhẹ so với năm trước và thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 95,2% năm 2019 - 2020. Sự sụt giảm này, dù nhỏ nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng cho tình hình dịch tễ quốc gia nói riêng và trên toàn cầu nói chung, bởi ngưỡng miễn dịch cộng đồng phải duy trì trên 95% để ngăn ngừa bùng phát dịch. Chính “khoảng trống miễn dịch” này đang tạo điều kiện cho virus dễ dàng quay trở lại và lan rộng, đặc biệt trong bối cảnh di chuyển, giao thương, du lịch ngày một nhiều.
Thêm vào đó, mặc dù vaccine tỏ ra vô cùng hiệu quả nhưng nó cũng là mục tiêu của tình trạng thông tin sai lệch từ những người có lợi ích tài chính trong việc giảm tỷ lệ tiêm vaccine. Năm 1998, một bác sĩ người Anh đã đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa tiêm vaccine sởi và tỷ lệ tự kỷ ngày càng tăng. Bác sĩ Andrew Wakefield sau đó bị phát hiện đã gian lận, không báo cáo xung đột lợi ích và bị tước giấy phép hành nghề. Bài báo của Wakefield đã bị rút lại.
Nhiều tập khoa học đã kiểm tra lại các bằng chứng và không tìm thấy mối liên hệ nào giữa vaccine sởi và chứng tự kỷ. Tuy nhiên, mối liên hệ này đã trở thành một chủ đề bàn tán trong các nhóm chống vaccine, những người đã thu hút một nhóm nhỏ các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng khiến dịch sởi tái hiện.