Giá tăng cao, ngành hồ tiêu Việt Nam tìm phương án ứng phó thách thức kép

Ngày 18-4, giá hồ tiêu tại các vùng chuyên canh Tây Nguyên, Đông Nam bộ duy trì đà tăng.

Cụ thể, giá hồ tiêu hôm nay ở tỉnh Gia Lai tăng 500 đồng/kg so với hôm qua, hiện giá thu mua tại Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu là 157.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông, Đắk Lắk tăng 1.000 đồng/kg, thương lái thu mua ở mức 159.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, giá hồ tiêu trong nước đang phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn trầm lắng do lo ngại về chính sách thuế đối ứng từ Mỹ. Bên cạnh đó, lực cầu tăng nhanh đã thổi sinh khí mới vào thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đàm phán lại giá với những hợp đồng đã ký từ trước.

 Nông dân huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nông dân huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu đã quay trở lại từ nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Trên thị trường nội địa, nông dân và thương lái vẫn giữ tâm lý tích trữ, chỉ bán ra với khối lượng hạn chế, làm nguồn cung trở nên khan hiếm. Hiện vụ thu hoạch tại các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm trong nước đã gần kết thúc. Tuy nhiên, bà con nông dân không vội bán ra vì đã có lợi nhuận từ cây trồng khác như sầu riêng và cà phê. Thông tin sản lượng hồ tiêu vụ thu hoạch 2025 giảm so với năm ngoái càng khiến giá hồ tiêu có thêm dư địa đi lên. Một số dự báo cho rằng nếu lực cầu tiếp tục tăng mạnh, giá hồ tiêu nội địa có thể vượt qua mốc 160.000 đồng/kg.

 Vụ thu hoạch hồ tiêu 2025, giá thu mua khá cao, nông dân các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi nhuận. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Vụ thu hoạch hồ tiêu 2025, giá thu mua khá cao, nông dân các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi nhuận. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Theo dữ liệu từ VPSA, trong tháng 3-2025, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5.000 tấn hồ tiêu, với tổng giá trị gần 29 triệu USD. Việt Nam không chỉ tiêu thụ nguyên liệu trong nước mà còn nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều quốc gia khác nhằm phục vụ cho việc chế biến và tái xuất khẩu.

Tại Hội nghị nhóm đối tác công – tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị diễn ra chiều ngày 17-4 tại TPHCM, lãnh đạo VPSA cho biết, ngành đang đối mặt thách thức khi Mỹ áp mức thuế 10%. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn 90 ngày đàm phán với Mỹ, song chưa thể dự đoán kết quả cuối cùng. Mỹ là thị trường chủ lực của ngành hồ tiêu Việt Nam. Tháng 2-2025, Mỹ nhập 5.942 tấn hồ tiêu, giảm hơn 33% so với tháng 1, trong đó Việt Nam cung cấp 3.296 tấn (chiếm 60,9% thị phần), nhưng giảm 18,6% so với cùng kỳ. Với sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ đợi kết quả đàm phán, đồng thời tính đến khả năng mở rộng sang các thị trường khác.

 Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA phân tích về thị trường hồ tiêu. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA phân tích về thị trường hồ tiêu. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhận định, nếu kết quả đàm phán không khả quan, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Indonesia, Brazil. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh ở các khu vực khác, đặc biệt là EU.

Hiện thị trường EU cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực, với tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu năm 2024 đạt 120.657 tấn, tăng 20% so với 2023. Thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào đây cũng tăng đều, đạt 52,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là ở phân khúc cao cấp như tiêu trắng và tiêu hữu cơ.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-tang-cao-nganh-ho-tieu-viet-nam-tim-phuong-an-ung-pho-thach-thuc-kep-post791288.html