Gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Tỷ lệ người trẻ từ 45 tuổi trở xuống đột quỵ có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho người bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho người bệnh.

Vì sao gia tăng tỷ lệ người trẻ đột quỵ?

Theo thống kê, trung bình một ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp từ bệnh viện vệ tinh chuyển đến do tuyến cơ sở vượt quá khả năng điều trị, tiên lượng khó khăn.

Đáng lưu ý, đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà Trung tâm tiếp nhận.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng tăng hơn trong thời gian gần đây. Có tới 70% bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng sức lao động.

Nữ bệnh nhân 32 tuổi (quê Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ 1. Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện (tức ngay giờ thứ 2 của bệnh), bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối. Kíp can thiệp của Trung tâm Điện quang cũng đã tái thông mức độ TICI 2c bằng phương pháp đặt stent nội sọ và Solumbra.

Trung tâm vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ 43 tuổi ở Lạc Thủy, Hòa Bình có bệnh nền nhưng không biết do trước đó không đi khám sức khỏe. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch thân nền. Đây là động mạch não lớn nuôi dưỡng vùng trung tâm quan trọng của não bộ. Bệnh nhân may mắn được phát hiện và đến viện vào cửa sổ giờ vàng.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn đến viện vào giờ vàng cấp cứu. Mới đây, có trường hợp trẻ tuổi, có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, nhưng không điều trị, không uống thuốc vì cảm thấy người hoàn toàn bình thường. Tới khi bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu thì quá muộn, bệnh nhân phải thở máy, liệt nửa người khó hồi phục.

"Đáng chú ý, Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, chỉ 15-16 tuổi, thậm chí có trường hợp 6 tuổi đã mắc đột quỵ. Bệnh nhân này được vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu não do dị dạng mạch thông động tĩnh mạch não. Sau khi được cấp cứu ổn định, cháu được chuyển sang hồi sức Nhi, tiên lượng khó khăn", bác sĩ Dũng cho hay.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo chuyên gia này, những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ gồm: Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khỏe; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc…

"Người trẻ thường chủ quan hoặc rất ít theo dõi chỉ số huyết áp, nghĩ rằng còn trẻ sức chịu đựng tốt. Bên cạnh đó, nhiều người lười vận động, thừa cân, béo phì, không chịu tập luyện, hoặc ăn thức ăn nhanh, thức khuya, chịu áp lực trong công việc, đều là yếu tố nguy cơ nhưng lại ít chú ý.

Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền huyết áp, tim mạch… Những bệnh nền này không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc nào đó bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ", bác sĩ Dũng cảnh báo.

Phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ

Đột quỵ có 2 thể là nhồi máu não và chảy máu não. Nhồi máu não là mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông, ngăn chặn dòng máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào não tương ứng, các tế bào não đó bị chết đi, dẫn đến các chức năng điều khiển vận động, nhận thức, học tập, ngôn ngữ… sẽ bị mất đi.

Chảy máu não là trường hợp mạch máu não vỡ ra có thể do dị dạng mạch máu não (hay gặp ở người trẻ) và do tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên hoặc điều trị không tốt.

"Ở người trẻ, nguyên nhân chảy máu não hay gặp là dị dạng động tĩnh mạch não và phình động mạch não. Trong thực tế lâm sàng, đa phần đột quỵ là thể nhồi máu não, chiếm gần 80%, và chảy máu não khoảng 20%", bác sĩ Dũng cho hay.

Người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ), phát hiện và điều trị muộn thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã trở thành tàn phế, ảnh hưởng đến chính mình vì mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nặng hơn nữa thì mất sức lao động, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Với đột quỵ quan trọng nhất là nhận biết được những dấu hiệu sớm

Dấu hiệu đầu tiên là chữ F (khuôn mặt) nhìn vào bộ mặt của người bệnh, nếu góc miệng (khóe miệng) của bệnh nhân khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước thì nghĩ ngay đến đột quỵ.

Thứ hai là chữ A (tay chân bên phải hoặc trái) bị yếu liệt hoặc tê bì.

Thứ ba là chữ S (ngôn ngữ, lời nói), nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được.

Đây là 3 dấu hiệu điển hình và rất thường gặp, khi có các dấu hiệu này cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ.

Nếu có 3 dấu hiệu trên, người nhà người bệnh đừng chần chừ. Một số biện pháp dân gian như bôi vôi vào lòng bàn tay, bàn chân, chích dái tai, chích máu đầu ngón tay, chân, hoặc nằm bất động theo dõi tại nhà… đều là những hành động không đúng, có thể gây hại cho bệnh nhân, cản trở, gây bất lợi cho quá trình điều trị của bác sĩ. Hãy gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị được đột quỵ trong thời gian sớm nhất để khả năng hồi phục sẽ cao nhất có thể.

Để phòng đột quỵ, người dân phải biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, chịu khó lắng nghe cơ thể và ghi nhớ dấu hiệu đột quỵ và khi đã nghi ngờ mình đột quỵ phải khẩn trương vào viện ngay.

"Người trẻ nên cân bằng cuộc sống, tăng cường vận động, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh xa chất kích thích, thuốc lá điện tử, phải khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý mình mắc phải để có kế hoạch điều trị kiểm soát tối ưu. Khi đã có bệnh nền phải khám định kỳ để bác sĩ có thể chỉnh liều thuốc nhằm đạt mục tiêu điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân đã từng mắc đột quỵ rồi", bác sĩ Dũng nói.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-tang-dot-quy-o-nguoi-tre-post814681.html