Gia tăng giá trị cho cây trồng

Để gia tăng giá trị cho cây trồng trong năm 2021, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên toàn cầu.

Năm 2021, Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng các mô hình Trung tâm Sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản

Năm 2021, Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng các mô hình Trung tâm Sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến hết năm 2020, toàn tỉnh gieo trồng trên tổng diện tích hơn 386.350 ha, tăng hơn 6% kế hoạch năm và tăng hơn 1,2% so với năm 2019. Trong đó, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gần 60.228 ha, tăng gần 2.515 ha so với năm 2019. Cụ thể gồm: 24.316 ha rau; 2.927 ha hoa; 157 ha dược liệu; 6.583 ha chè; 21.946 ha cà phê; 3.827 ha lúa chất lượng cao; 300 ha cây ăn quả và 172 ha cây trồng khác. Riêng diện tích nhà kính, nhà lưới hơn 6.800 ha; canh tác thủy canh 50 ha; canh tác cây trồng ứng dụng công nghệ cảm biến tự động kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng trong canh tác rau, hoa, chè gần 195 ha. Toàn tỉnh đã công nhận 4 vùng đạt các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là Làng hoa Thái Phiên, Làng hoa Vạn Thành ở Đà Lạt và vùng sản xuất rau xã Lạc Lâm, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương.

Đáng kể, toàn tỉnh Lâm Đồng đã lần lượt chuyển đổi, cải tạo 16.716 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng đạt giá trị kinh tế cao hơn như rau, hoa công nghệ cao, dược liệu, dâu tằm, tái canh, ghép cải tạo cà phê... Riêng tổng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C... đạt 83.270 ha gồm: cà phê 80.114 ha; rau gần 2.088 ha; cây ăn quả hơn 585,7 ha; chè 304 ha; lúa 129,7 ha; dược liệu gần 46 ha; tiêu 3 ha. So với năm 2019, diện tích các loại cây chủ lực đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C... đều tăng diện tích như rau (tăng 8.648 ha), cây ăn quả (tăng gần 350 ha), cà phê (tăng 4.511 ha).

Hiện nay, trên địa bàn Lâm Đồng có 432 công trình thủy lợi chủ động cấp nước tưới cho 45.649 ha đất canh tác, tương đương khoảng 60.014 ha đất gieo trồng. Tỷ lệ các loại cây trồng được tưới năm 2020 đạt 65% diện tích. Trong đó có khoảng 38.500 ha được tưới bằng các biện pháp tiên tiến tiết kiệm.

“Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trên cây trồng không có biến động nhiều. Phần lớn các loại dịch bệnh đều trong tầm kiểm soát, không gây thiệt hại lớn đến sản xuất. Các loại dịch hại phổ biến do virus trên cà chua, hoa cúc đã được khống chế hiệu quả. Các đơn vị chuyên trách trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình, hướng dẫn nông dân triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng trừ để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại xảy ra...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.

Kết quả điều chỉnh cơ cấu sản xuất trong năm 2020, toàn tỉnh giảm 6.069 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng còn khoảng 55.831 ha, chiếm 18,6% diện tích canh tác. Qua đó, đạt giá trị sản xuất bình quân 185,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 3,4% so với năm 2019.

Mục tiêu trong năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng duy trì diện tích canh tác khoảng 300.000 ha, diện tích gieo trồng đạt 390.000 ha; giá trị thu hoạch bình quân trên 192 triệu đồng/năm/ha. Trong đó, diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 63.000 ha, chiếm 21% diện tích canh tác, tăng 2.800 ha so với năm 2020. Diện tích nông nghiệp thông minh đạt 450 ha, tương ứng tăng thêm 100 ha. Tiếp tục tái canh cải tạo 6.500 ha cà phê và giảm 4.000 ha cây trồng khác có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha, đưa diện tích canh tác kém hiệu quả xuống còn khoảng 51.800 ha, chiếm 17% diện tích canh tác. Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới đạt 66%. Bao gồm 47.000 ha diện tích canh tác được tưới từ công trình thủy lợi; 40.500 ha diện tích tưới tiên tiến tiết kiệm, tăng 2.000 ha so với năm 2020.

Ngoài ra, toàn tỉnh phát triển thêm 20 chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng tổng số chuỗi toàn tỉnh đạt 185 chuỗi với 18.000 hộ tham gia trên diện tích 28.900 ha, tổng sản lượng đạt trên 400.000 tấn.

“Trên cơ sở các vùng sản xuất hiện có, Lâm Đồng tiếp tục cơ cấu lại các vùng sản xuất theo trục sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm, lồng ghép vào các quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch vùng từng địa phương và các kế hoạch sản xuất giai đoạn, hàng năm. Cơ cấu lại hoạt động sản xuất theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tăng cường mối liên kết sản xuất trong vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết, kết nối giữa các vùng sản xuất với các trung tâm sau thu hoạch, các nhà máy chế biến, các chợ đầu mối và kênh phân phối để kết nối, mở rộng thị trường...”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh.

Cụ thể, Lâm Đồng đẩy mạnh hơn nữa giải pháp phát triển công nghệ sau thu hoạch, khuyến khích phát triển chế biến sâu, chế biến tinh; đẩy mạnh hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa, Khu Công nghiệp nông nghiệp, mở rộng các mô hình Trung tâm Sau thu hoạch và quảng bá thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"...

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/gia-tang-gia-tri-cho-cay-trong-3044141/