Gia tăng giá trị hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần đây, không ít doanh nghiệp Việt đã bắt tay vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nhằm gia tăng giá trị hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mối đe dọa trước những biến động, gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi cung ứng đang đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần chủ động linh hoạt thích ứng tốt hơn trong năm 2024. Đặc biệt, theo dõi sát tình hình, đa dạng phương thức vận chuyển, xây dựng mạng lưới cung ứng rộng khắp, cấp thiết xây dựng kế hoạch dự phòng, hoạch định chiến lược theo kịch bản cụ thể. Đón lõng vấn đề, không ít doanh nghiệp Việt đã bắt tay vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nhằm gia tăng giá trị hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Là một trong những doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã ký kết với 6 doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm cam kết xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng. Cùng đó, đảm bảo sản phẩm cung ứng và phân phối ra thị trường an toàn cho người tiêu dùng, giá cả bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op tham gia cùng UBND Tp. Hồ Chí Minh trong chuỗi chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước để phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa, kết nối cung cầu, thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa phù hợp với định hướng và quy hoạch từng tỉnh, thành. Đây là giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị phần trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu và gia tăng cơ hội xâm nhập thị trường xuất khẩu.

Ở góc độ khác, việc hợp tác giúp tạo điều kiện thuận lợi để Saigon Co.op và đối tác kinh doanh kết nối trực tiếp kịp thời chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển kênh phân phối, thông tin quy chuẩn để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Hơn nữa, qua đây góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op là NTUC FairPrice (Singapore).

Tương tự, để mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển Việt Nam đã chọn cách bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với mục tiêu phát triển dịch vụ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, cảng quốc tế Long An và Opascor (Philippines) đã nhận diện cơ hội hợp tác cùng phát triển và ký kết Ý định thư, chính thức hóa mối quan hệ hợp tác. Việc hợp tác cùng Opascor sẽ mang lại những lợi ích chung và hoạt động hợp tác trên lĩnh vực các bên cùng quan tâm; trong đó, cam kết phát triển cảng thông minh, cảng xanh và phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội cho cảng quốc tế Long An trên hành trình trở thành cảng biển được quốc tế công nhận và lựa chọn tại châu Á.

Theo ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Long An, là quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN, cảng quốc tế Long An luôn mong muốn kết nối cơ hội hợp tác với Opasco nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp của hai địa phương, từ đó xây dựng xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, chia sẻ và học hỏi trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

Theo ông Võ Quốc Huy, trước đó, cảng quốc tế Long An còn hợp tác với cảng Oakland (Hoa Kỳ) trong chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng; thúc đẩy mối quan hệ để tạo thị trường nhằm nâng cao sản lượng hàng hóa trung chuyển giữa hai cảng. Đồng thời, hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Long An và bang California nói riêng, giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung.

May hàng xuất khẩu hướng tới phát triển bền vững và tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

May hàng xuất khẩu hướng tới phát triển bền vững và tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhận định từ các doanh nghiệp dệt may, năm 2023 được cho rằng là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may. Tuy nhiên, năm 2024, doanh nghiệp lại phải đối mặt với thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ áp dụng bởi hàng loạt những biện pháp rào cản thương mại như cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Tất cả các quy định này đã tạo ra rào cản thương mại lớn với doanh nghiệp xuất khẩu và được ví như định hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may. Do vậy, để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài việc phát triển bền vững và tuần hoàn trong kinh doanh, sản xuất. Sớm nhận thức được xu hướng của thị trường, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG chia sẻ đã sớm hoàn thiện quy trình sản xuất xanh, nguyên liệu tái chế, áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, sản xuất nhằm thích ứng giao hàng nhanh với đơn hàng lớn, nhỏ và đảm bảo chất lượng cao nhất. Đơn cử như sử dụng một phần điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy để vừa có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu vừa thực hiện được mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất.

Ngoài ra, để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, TNG và khách hàng hướng tới kế hoạch sử dụng nguyên phụ liệu vải sợi tái chế, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, nhà máy mới của TNG đều xây dựng theo hướng xanh hóa, đáp ứng tiêu chuẩn về nhà máy xanh. Chẳng hạn như nhà máy TNG Võ Nhai đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) và LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh), nhà máy phụ trợ Sông Công đạt tiêu LOTUS.

Hiện tại, TNG đã có nhà máy sản xuất bông, nguyên liệu cho sản phẩm may mặc nhà máy sản xuất thùng, túi đóng gói và cả 2 nhà máy này của TNG đều có chứng nhận sản xuất sản phẩm có thành phần tái chế thân thiện với môi trường. Nhà máy phụ trợ sản xuất phục vụ các khách hàng của TNG, ngoài ra sản phẩm bông của TNG đã xuất khẩu một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Ethiopia…

Đánh giá từ giới chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam – một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đang đứng trước cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp chip non trẻ của Việt Nam khó có khả năng phát triển chip tiên tiến ở quy mô thương mại như Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc. Do đó, doanh nghiệp sẽ tập trung vào những ngóc ngách hỗ trợ dòng sản phẩm cụ thể như chip quản lý điện năng, chip analog cho Internet, Internet vạn vật và hệ thống dựa trên ứng dụng chip. Chiến lược này được đánh giá có nhiều nét tương đồng với một số quốc gia như Pháp, cho phép Việt Nam có thể tìm kiếm những phân khúc thị trường phù hợp để cạnh tranh toàn cầu với nguồn lực và chính sách hỗ trợ công nghiệp khiêm tốn.

Cũng theo các chuyên gia, từ nhiều năm nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài như: Walmart, Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market… đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng một số địa phương để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của họ ở nước ngoài. Hơn nữa, các bên còn hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart cho biết, Việt Nam đang là 1 địa điểm thu mua chiến lược của Tập đoàn, trong Top 5 trên thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á. Hơn nữa, Việt Nam đang cung ứng lượng hàng hóa giá trị khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023 cho hệ thống Walmart với hơn 10.500 siêu thị tại 19 nước trên thế giới, từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến mặt hàng thực phẩm đông lạnh…

“Định hướng của tập đoàn thời gian tới là ưu tiên phát triển nhà cung ứng địa phương tạo điều kiện cho họ cung cấp trực tiếp hàng vào Walmart thay vì chỉ là nhà sản xuất thứ cấp”, ông Nguyễn Đức Trọng bày tỏ. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung khẳng định, Tập đoàn Samsung tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị.

Khi tham gia chương trình, doanh nghiệp Việt được đào tạo và hướng dẫn để hoạch định chiến lược cũng như xây dựng một lộ trình xuyên suốt hướng tới “nhà máy thông minh”. Các giải pháp quản trị trên nền tảng số hóa, tự động hóa được chuyển giao trực tiếp từ chuyên gia Samsung giúp hệ thống quản lý và hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp thay đổi rõ rệt. Đây là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình như nghiên cứu, sản xuất... Từ đó, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, để thúc đẩy năng lực phát triển, gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần đầu tư thương hiệu sản phẩm Việt nhằm tạo nền tảng vững chắc và gia tăng giá trị hàng hóa trên trường quốc tế.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-tang-gia-tri-hang-viet-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau/332942.html