Gia tăng giá trị trái na Đông Triều
Vùng sản xuất na lớn nhất khu vực phía Bắc tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đang bước vào thu hoạch.
Với vị thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp cho giá trị kinh tế cao, na là cây trồng chủ lực nâng cao đời sống, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân Đông Triều. Tuy nhiên để trái na đến với nhiều khách hàng và không rơi vào cảnh bị thương lái ép giá, đang là vấn đề được địa phương này quan tâm. Tìm chiến lược thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng của na được xác định là các yếu tố quan trọng để đưa na Đông Triều trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận.
Trăn trở nâng cao chất lượng
Hiện nay 14/21 xã, phường của thị xã Đông Triều trồng na, với trên 910 ha; trong đó có hơn 355 ha được chứng nhận VietGAP. Trước đây thu nhập từ quả na đã giúp nhiều hộ dân của thị xã xóa đói giảm nghèo, đến nay quả na Đông Triều đã dần khẳng định được thương hiệu, là sản phẩm OCOP của địa phương mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nơi đây làm giàu, phát triển kinh tế ổn định. Giá na dai chính vụ trung bình từ 40.000 đồng/kg, đối với na bở có giá từ 100.000 đồng/kg na loại 1.
Ông Vũ Văn Hải, trưởng thôn Tam Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều cho biết, bằng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề trồng, chăm sóc na và ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng đã giúp quả na to, mọng, có vị ngọt thơm thanh khiết, được thị trường đón nhận nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên do khai thác nhiều năm nên chất đất bị ảnh hưởng, thoái hóa, rễ na phát triển kém hơn. Ông Hải kiến nghị các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, phân tích đánh giá chất đất, để có phương án cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng cho quả na.
Cùng trăn trở với ông Hải, nhiều người dân trồng na cũng chia sẻ, trong quá trình trồng, chăm sóc na người dân có sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên việc một số lần mua phải hàng giả đã làm ảnh hưởng đến chất đất, cần cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ.
Ông Phan Văn Khóa, thôn Đìa Mối, xã An Sinh chia sẻ, trông na đã khó nhưng việc tiêu thụ lại càng khó hơn, nếu mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả thì nông dân càng vất vả hơn bởi "tiền mất tật mang" và tác động xấu đến chất đất.
Mặt khác, những năm qua câu chuyện được giá đầu vụ, mất giá hoặc bị ép giá giữa vụ và cuối vụ đã trở nên quen thuộc với người dân trồng na. Trước thực tế này, theo ông Khóa để người dân gắn bó lâu dài và xây dựng thương hiệu quả na Đông Triều bền vững thì cần sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong xử lý các cơ sở kinh doanh không đảm bảo, đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, tìm đầu ra cho quả na không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước. Cùng với đó địa phương cần tính đến phương án chế biến các sản phẩm để giải quyết bài toán tận thu na.
Theo ước tính năm 2023 sản lượng na Đông Triều đạt khoảng 11.300 tấn, giảm hơn so với năm trước từ 10-20%. Nguyên nhân là do một số cây na có tuổi đời cao cho quả ít, mẫu mã không đẹp, mặt khác do người trồng na đã áp dụng thâm cảnh rải vụ, thay vì tập trung vào vụ chính thì chuyển sang vụ na Đông Xuân. Hình thức sản xuất này sẽ giúp quả na cho chất lượng tốt hơn, giá trị tăng lên, giảm thiểu câu chuyện bị ép giá.
Kích cầu tiêu thụ
Tìm đầu ra cho nông sản là câu chuyện không mới, tuy nhiên kết quả đạt được không chỉ phụ thuộc vào sản phẩm mà còn là bài toán về chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ, cách thức sản xuất, chế biến.
Để tìm kiếm những giải pháp đầu ra bền vững cho quả na, thị xã Đông Triều vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ na, qua đó đã nhận được nhiều chia sẻ từ người dân, đơn vị thu mua, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Theo bà Lê Thị Thà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoa Phong (Đông Triều) trong những năm vừa qua, bên cạnh thị trường truyền thống là các chợ, na Đông Triều nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, chính quyền địa phương kết nối đưa vào các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Thà cần phải quảng bá sản phẩm để nhân dân biết đến na Đông Triều nhiều hơn.
Để giữ vững giá trị của thương hiệu na Đông Triều cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, thị xã đã chỉ đạo tăng cường thâm canh, trẻ hóa các vườn cây già cỗi, suy thoái; cơ cấu lại các giống na, bổ sung giống mới; cấp lại chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thị xã cũng quyết tâm xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, kết hợp ứng dụng kỹ thuật tiến bộ; liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, kết cấu hạ tầng, gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...
Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều thông tin, địa phương này có quy hoạch và tiếp tục mở rộng diện tích trồng na, bởi đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời trong thời gian tới thị xã sẽ thử nghiệm, nhân rộng các giống na mới để đa dạng giống loài như na bở, na Đài Loan...
Về bài toán bị ép giá, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho rằng, phải nâng cao chất lượng na bằng cách sản xuất rải vụ, chia vụ để giảm áp lực lên cây na, giúp cây na đảm bảo được dinh dưỡng, thay vì quá chú trọng về sản lượng. Bởi giá na trái vụ cao gần gấp đôi so với chính vụ, cải thiện chất đất...
Trong xu hướng thị trường hiện nay là mô hình kinh doanh "mua tận gốc, bán tận ngọn", đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ.
Ngoài ra, thị xã Đông Triều cũng tính đến việc đăng ký vùng trồng na xuất khẩu và mong muốn các ngành liên quan cùng chung tay để xúc tiến tiêu thụ quả na đến đa dạng thị trường.
Liên quan đến quản lý việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thị xã sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm, đồng thời sẽ thẩm định và cấp phép cho các cơ sở kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn.