Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định.

Ngày 26-12, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”.

Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian qua, với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu…

 Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm.

Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm; đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước... Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đối với sản phẩm OCOP, có 3 vấn đề mang tính mấu chốt: Chất lượng, căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tập trung vào xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu.

Từ góc độ đơn vị phân phối, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), đề xuất các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP nên tập trung vào khâu đóng gói, bao bì mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tập trung vào chất lượng sản phẩm, chỉ bán ra thị trường những sản phẩm có chất lượng đồng đều. Theo đó, sàn thương mại điện tử Postmart đồng hành cùng chủ thể OCOP cũng như hỗ trợ người tiêu dùng chứng thực sản phẩm chất lượng, giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không gặp phải vấn nạn hàng giả hàng nhái trên thị trường.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-tang-kenh-tieu-thu-san-pham-ocop-758039