Gia tăng lượng bệnh nhân đột quỵ khi trời lạnh
Hiện, miền Bắc đang trải qua chuỗi ngày rét đậm, rét hại, có nơi dưới 7 độ C khiến số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thay đổi lối sống, cải thiện chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ đột quỵ.
Số ca nặng tăng cao
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 20/1 đến 27/1), tổng số bệnh nhân vào viện là 1.816 trường hợp, tăng cao gấp 2 lần so với Tết các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ nặng… Đáng chú ý, ngay mùng 1 Tết Quý Mão, tại Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện đã có 3 ca đột quỵ rất nặng vào cấp cứu.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng thời tiết mùa Đông vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vào Trung tâm Đột quỵ tăng lên đáng kể và số ca nặng cũng tăng cao. Nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột.
PGS.TS Mai Duy Tôn cho rằng, nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa Đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn. Và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một lời giải thích nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị lưu ý, nhiệt độ giảm sâu ở các tỉnh miền Bắc nhiều ngày qua có thể làm nặng thêm các bệnh tiềm ẩn, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi thời tiết quá lạnh có thể làm cho hệ thống mạch máu của cơ thể co lại, dẫn tới các cơn tăng huyết áp đột ngột khiến những người lớn tuổi hay những người có bệnh lý nền không thể thích nghi, gây xuất huyết não.
“Khi thời tiết lạnh, số người đột quỵ, chảy máu não tăng, chiếm khoảng 50% trong số ca đột quỵ. Nhiều người khởi phát đột quỵ tại khi đi vệ sinh ban đêm, rời nhà tắm, mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm...” - PGS.TS Phạm Đình Đài - Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân Y 103 cho hay.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận, mỗi năm thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động... Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Tuyệt đối không cạo gió, chích máu đầu ngón tay... Không chờ bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa đi cấp cứu.
Phòng tránh đột quỵ
Hiện nay, Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới như điều trị tiêu huyết khối, can thiệp mạch máu não hoặc đặt stent động mạch, nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp do xơ vữa. Song, khó khăn nhất trong điều trị đột quỵ ở Việt Nam là bệnh nhân thường không đến kịp trong thời gian vàng.
Khi nghi ngờ đột quy, cần đặt người bệnh nơi thông thoáng, nới lỏng quần áo, không cho ăn hay uống nước. Ghi nhớ giờ khởi phát triệu chứng đầu tiên giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị và nhanh chóng gọi cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Nên chuyển tập thể dục buổi sáng sớm sang buổi chiều vì khi đó nhiệt độ ấm áp hơn và cơ thể đã thích nghi trong ngày.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, phần lớn các ca đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, ngừng hút thuốc và tập thể dục thường xuyên. Vì vậy, thay đổi lối sống có tác động rất lớn trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Phòng tránh đột quỵ thông qua thực phẩm bằng tăng món ăn nguồn gốc thực vật, chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây. Phân tích một số nghiên cứu cho thấy cứ 10 gram chất xơ bạn ăn mỗi ngày có thể giảm được gần 12% nguy cơ đột quỵ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh, người dân, đặc biệt là người cao tuổi thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc cho người bệnh. Khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …
Người dân, đặc biệt là người cao tuổi tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều. Tránh căng thẳng, stress quá mức. Không hút thuốc lá, thuốc lào.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn và đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.
Một nghiên cứu của Đức trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu nhận thấy rằng, khi nhiệt độ giảm 2.9 độ C trong 24 giờ, đột quỵ não tăng 11% và đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …
Thêm nữa, một nghiên cứu về khoảng 56.000 ca tử vong do đột quỵ não trong hơn 10 năm ở Sao Paolo, Brazil, cho thấy nhiệt độ giảm làm tăng số ca tử vong do đột quỵ não, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-luong-benh-nhan-dot-quy-khi-troi-lanh.html