Gia tăng mắc sởi ở TP HCM: Cách chăm sóc trẻ cha mẹ cần biết tránh biến chứng nặng

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong.

Triệu chứng của bệnh sởi cha mẹ cần biết

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người (nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…) nên bệnh dễ mắc thành dịch.

Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:

Sốt cao > 39°C
Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng
Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt
Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Ảnh minh họa

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Ảnh minh họa

Biến chứng của bệnh sởi

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như:

Viêm tai giữa
Viêm loét giác mạc
Viêm não cấp tính chiếm (khoảng 0,1% số ca mắc sởi): Trẻ nhỏ sau khi phát ban (1 - 15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy
Tiêu chảy
Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn tụ cầu Influenzae tuýp B, Hemophilus
Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát do cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch

Lưu ý cách chăm sóc bệnh nhân sởi tránh biến chứng nặng

Khi trẻ mắc sởi, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc cho trẻ như sau:

Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ
Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ mắc sởi cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh
Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ
Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần
Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
Cắt móng tay tránh gãi làm xước da
Cho trẻ ăn thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A. Hoặc có thể bổ sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A giúp bảo vệ mắt theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nào trẻ tiêm được vaccine phòng bệnh sởi?

Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Nên tiêm phòng sởi mũi đầu tiên khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.

Trẻ tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.

Nguy cơ bùng phát sởi ở TP HCM

Theo Sở Y tế TPHCM, tính tới tuần 23 của năm 2024, TPHCM ghi nhận 16 ca bệnh sởi. Các ca bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ 24 tháng tuổi và chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Nhận thấy nguy cơ bùng phát bệnh sởi tăng cao khi liên tục ghi nhận ca mắc mới, Sở Y tế TPHCM đã ra công văn khẩn về việc đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi gửi tới các bệnh viện trên địa bàn thành phố nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch.

Theo đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu, các bệnh viện chủ động rà soát nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế tại đơn vị.

Đối với các trường hợp người bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, các đơn vị chủ động hội chẩn với tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của thành phố (bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị.

Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống, khuyến khích người dân tiêm vaccine để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình; đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.

BS Hương Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-mac-soi-o-tp-hcm-cach-cham-soc-tre-cha-me-can-biet-tranh-bien-chung-nang-169240617185017251.htm