Miền Trung sắp bước vào đợt nắng nóng cao điểm, có nơi trên 37 độ C

Dự báo thời tiết Thanh Hóa đến Phú Yên trời nắng nóng, có nơi gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Cảnh báo nắng nóng

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia ngày 9/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến khoảng 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Như Xuân (Thanh Hóa) 36.2 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 38.0 độ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 36.3 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 37.0 độ,…; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 55-60%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ lúc 13h phổ biến khoảng 34-35 độ, có nơi trên 35 độ; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 50-70%.

Dự báo diễn biến nắng nóng trong 24 giờ đến 48 giờ tới. Ngày 10/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ.

Ngày 11/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Cảnh báo nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/7; ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 14/7, từ ngày 15/7 nắng nóng dịu dần.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Lưu ý: nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

 Dự báo nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa.

Dự báo nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa.

Cách phòng và chống say nắng thế nào?

Có rất nhiều yếu tố thuận lợi khiến người dân dễ bị say nắng, say nóng, trong đó phải kể đến:

- Không có điều hòa hoặc thông khí

- Mặc quần áo không phù hợp (quá dầy, bí, không thấm nước)

- Thiếu sự thích nghi với khí hậu

- Không uống nước, môi trường quá nóng

- Dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: chẹn beta, kháng cholinergic, lợi tiểu, Ethanol, kháng histamine,…

- Một số tình trạng bệnh lý: bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt...

- Béo phì

- Kiệt muối nước

- Sống một mình

- Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ.

Dấu hiệu say nắng

Người bị say nắng, say nóng thường có các biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, nghiêm trọng có thể gây đột quỵ, tử vong nên mọi người cần nắm được một vài kiến thức cơ bản để phòng, tránh.

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa Hè, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Người bị say nắng, say nóng thường có các biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu,... nghiêm trọng có thể gây đột quỵ, tử vong.

Vì vậy, mọi người cần nắm được một vài kiến thức cơ bản để phòng, tránh say nắng, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng.

Các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng

- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

- Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...

- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

- Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mien-trung-sap-buoc-vao-dot-nang-nong-cao-diem-a672135.html