Gia tăng nhà đầu tư tổ chức: Yêu cầu bức thiết
Chuyển dịch cơ cấu nhà đầu tư, từ sự thống trị của nhà đầu tư cá nhân sang vai trò ngày càng tăng của các nhà đầu tư tổ chức, là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao tính ổn định, chuyên nghiệp và hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Việc nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng áp đảo dễ khiến thị trường chứng khoán phản ứng quá đà với các thông tin
Mục tiêu trọng tâm
Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh, một trong những mục tiêu trọng tâm phát triển thị trường chứng khoán là cải thiện cơ cấu nhà đầu tư theo hướng tăng cường nhà đầu tư tổ chức…
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tìm các giải pháp tăng độ mở cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, phát triển ngành dịch vụ quỹ cũng như phát triển nhà đầu tư tổ chức là định hướng lớn quan trọng của cơ quan quản lý.
Mục tiêu chiến lược này được đặt ra trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới 99% số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán và khoảng 90% giá trị giao dịch mỗi phiên. Sự “thống trị” của nhà đầu tư cá nhân, với đặc điểm tâm lý “đám đông”, dễ bị cảm xúc chi phối và bị hạn chế về kiến thức đầu tư, cơ hội tiếp cận thông tin khiến thị trường thường xuyên biến động mạnh, phản ứng “quá đà” trước thông tin tích cực hay tiêu cực.
Theo quan sát của bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI, đang có một số yếu tố hỗ trợ cho xu hướng chuyển dịch từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức. Một là, chính sách phát triển thị trường đang đi đúng hướng; trong đó, Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đầu tư trung và dài hạn, cũng như đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Hai là, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cùng nhu cầu tích lũy tài sản an toàn và hiệu quả sẽ khuyến khích người dân chuyển từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp, thông qua các quỹ chuyên nghiệp. Ba là, sự mở rộng của các định chế tài chính trong và ngoài nước, với sản phẩm đầu tư phong phú, có chiến lược bài bản, sẽ là động lực thúc đẩy dòng vốn tổ chức chiếm ưu thế hơn trong tương lai. Bốn là, kiến thức tài chính của người dân, đặc biệt là lớp trẻ nâng cao, dẫn đến sự chuyển dịch xu hướng từ tự đầu tư sang sử dụng các dịch vụ của công ty quản lý đầu tư chuyên nghiệp.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên trong năm 2025, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 4.900 USD trong năm nay. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP bình quân đầu người của một quốc gia nằm trong khoảng 5.000 - 10.000 USD là “điểm bùng phát” của dịch vụ tài chính, khi nhu cầu về các dịch vụ đầu tư, quản lý, tài sản bắt đầu tăng vọt, vì tầng lớp trung lưu sẽ có nhu cầu đầu tư đa dạng hơn.
Từ góc nhìn của ông Đoàn Duy, Giám đốc Chuyển đổi số Dragon Capital, với lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi về khối lượng giao dịch cũng như cấu trúc nhà đầu tư.
“Khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng, tỷ trọng tài sản của nhà đầu tư tổ chức - cá nhân có thể thay đổi sang 60% - 40%”, ông Duy dự báo.
Cần những “cú huých” mạnh mẽ
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, khối công ty chứng khoán - với việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp hơn, các quỹ đầu tư - với việc cho ra đời nhiều loại hình quỹ đa dạng, các ngân hàng - bước đầu tham gia vào hoạt động phân phối sản phẩm quỹ và các tổ chức tài chính khác… đã có sự chuẩn bị nhất định về mặt nguồn lực, sản phẩm để đón đầu cơ hội từ nâng hạng thị trường chứng khoán cũng như xu hướng chuyển dịch từ cá nhân tự đầu tư sang đầu tư qua quỹ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ An Bình, để sự chuyển dịch này diễn ra một cách nhanh chóng, sâu rộng và đạt được các mục tiêu kỳ vọng, đòi hỏi phải có những “cú huých” mang tính chiến lược. Một trong những “cú huých” quan trọng nhất là triển khai các chính sách ưu đãi về thuế một cách thiết thực và hấp dẫn. Ví dụ, cần giảm, hoặc miễn thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân khi họ đầu tư thông qua các quỹ.
Song song với đó, việc mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp đến đông đảo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân ở các khu vực khác nhau. Một giải pháp tiềm năng và hiệu quả, theo ông Hà, là cho phép và khuyến khích các ngân hàng thương mại chính thức trở thành đại lý phân phối các sản phẩm tài chính của các quỹ đầu tư.
“Kinh nghiệm từ các thị trường phát triển cho thấy, sự tham gia của các ngân hàng với mạng lưới chi nhánh rộng khắp và lượng khách hàng lớn đã giúp tăng đáng kể lượng nhà đầu tư tiếp cận các sản phẩm quỹ và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Điều này không chỉ giúp các quỹ huy động vốn hiệu quả hơn, mà còn cung cấp cho nhà đầu tư cá nhân các lựa chọn đầu tư chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro do đầu tư tự phát và thiếu thông tin”, ông Hà cho biết.
Trong khi đó, bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng, để việc chuyển dịch cơ cấu nhà đầu tư thực sự hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và các thành viên tham gia thị trường. Theo đó, trước tiên, cần xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư dài hạn như quỹ hưu trí bổ sung, quỹ tín thác bất động sản (REITs), và quỹ đầu tư hạ tầng. Đây là các mô hình đã chứng minh hiệu quả ở nhiều nước và có thể trở thành lực đỡ dài hạn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, cần có các chính sách đồng bộ phát triển thị trường vốn để tạo hàng chất lượng cho các nhà đầu tư; tạo cơ chế linh hoạt và ổn định để dòng vốn từ bảo hiểm, hưu trí và các nhà đầu tư định chế có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục tài chính cho cộng đồng nhà đầu tư và người dân, nhằm hình thành thói quen đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn và hiểu đúng về lợi ích khi đầu tư gián tiếp qua các tổ chức có năng lực.
Thứ tư, nâng cao chuẩn mực và năng lực của các công ty quản lý quỹ, tổ chức tư vấn đầu tư, để tạo dựng niềm tin và thu hút vốn từ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
“Với định hướng chính sách rõ ràng, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tài chính trung gian, Việt Nam sẽ từng bước nâng cao chất lượng cơ cấu nhà đầu tư, tiến gần hơn tới chuẩn mực của các thị trường tài chính phát triển trong khu vực và quốc tế”, bà Giao nêu quan điểm.
Nhấn mạnh việc cải thiện cơ cấu nhà đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân và tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức so với hiện nay để thị trường chứng khoán trong nước phát triển ổn định, bền vững hơn, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cho rằng, trước tiên, cần tập trung phát triển ngành dịch vụ quỹ và quản lý tài sản, hướng tới việc nâng số lượng, tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức cũng như tỷ trọng nắm giữ tài sản trên vốn hóa thị trường cổ phiếu của các định chế tài chính chuyên nghiệp.