Nâng cao chỉ số phát triển du lịch của địa phương
HNN.VN - Xếp thứ 9/30 tỉnh, thành trong phạm vi nghiên cứu của chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam (VTDI 2024), Huế có nhiều trụ cột được đánh giá cao, thể hiện rõ điểm mạnh nổi trội. Song, địa phương và ngành du lịch Cố đô vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm để nâng cao chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh.

Khách nước ngoài đến trải nghiệm du lịch ở Huế
Nhận diện điểm mạnh, điểm yếu
Báo cáo “Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam VTDI 2024” vừa được công bố mới đây đã chỉ ra xếp hạng của các địa phương trong VTDI 2024. Trong 30 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi nghiên cứu chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam, Huế xếp thứ 9, với rất nhiều điểm mạnh, hạn chế được chỉ ra.
Theo báo cáo, qua phân tích, một số nhóm chỉ số thể hiện điểm mạnh, như: Nhóm chỉ số môi trường thuận lợi đạt 5,16 điểm, cao hơn điểm trung bình 4,87. Nhóm chỉ số hạ tầng và dịch vụ cũng có kết quả tốt, với số điểm 4,38, cao hơn điểm trung bình 3,97. Nhóm chỉ số tài nguyên du lịch đạt 3,19 điểm, cao hơn một chút so với điểm trung bình 3,18. Nhóm chỉ số sự bền vững của du lịch đạt 4,40 điểm, cao hơn điểm trung bình 4,09. Tuy nhiên, nhóm chỉ số chính sách và điều kiện cho du lịch đạt 4,10 điểm, thấp hơn điểm trung bình 4,54.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, kết quả đánh giá theo hình thức xếp hạng qua xem xét 17 trụ cột. Đối với Huế, các trụ cột được đánh giá cao nhất gồm y tế và vệ sinh (hạng 2), hạ tầng hàng không (hạng 4), sự bền vững về môi trường và năng lượng trong du lịch (hạng 2), môi trường kinh doanh (hạng 6), hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 6), tài nguyên văn hóa (hạng 7) và an toàn và an ninh (hạng 9). Các trụ cột này thể hiện thế mạnh nổi trội và điều kiện rất thuận lợi của ngành du lịch Cố đô.

Nét đẹp về văn hóa là một trong những yếu tố thuận lợi để Huế khai thác làm du lịch
Các trụ cột được đánh giá ở mức vừa phải gồm: Tác động kinh tế - xã hội của du lịch (hạng 10), mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (hạng 14), hạ tầng và dịch vụ du lịch (hạng 14), tài nguyên phi giải trí (hạng 21), sức cạnh tranh về giá (hạng 18), mức độ ưu tiên cho du lịch (hạng 16), tài nguyên tự nhiên (hạng 15), và sự bền vững về nhu cầu du lịch (hạng 16). Các trụ cột này có hiệu quả hoạt động tốt và còn dư địa để cải thiện. Điều này cũng đồng nghĩa, những trụ cột này đang được quản lý tốt và có thể phát triển hơn nữa.
Đáng trăn trở là bên cạnh những trụ cột được đánh giá cao, du lịch Huế vẫn còn bộc lộ nhiều thách thức. Theo kết quả phân tích từ chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam, đáng chú ý, hai trụ cột có kết quả thấp là nhân lực và thị trường lao động (hạng 24), và thu thập và chia sẻ dữ liệu (hạng 26). Để cải thiện kết quả chung, cần tập trung nỗ lực nhằm nâng cao thứ hạng và giải quyết những vấn đề tiềm ẩn của những trụ cột này.
Trong buổi khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhà hàng hôm 6/5, ông Hồ Đặng Xuân Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Huế cũng chia sẻ những trăn trở về vấn đề nhân lực. Theo ông Lân, sau đại dịch COVID-19, các khách sạn gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự, trong đó có nhân sự phục vụ nhà hàng. Nhiều nhân viên nhà hàng mới nhận vào chỉ được đào tạo tại chỗ và không chuyên nghiệp.
Hiện, các khách sạn có quy trình phục vụ nhà hàng khác nhau. Ngành Nhà hàng thay đổi liên tục về xu hướng, công nghệ phục vụ... đòi hỏi các nhân viên nhà hàng cần phải cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đào tạo bài bản để chuẩn hóa đúng quy trình phục vụ. Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội Du lịch quan tâm để cải thiện bên cạnh nhân lực các lĩnh vực khác của du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
“Đối mặt” thách thức, nắm bắt cơ hội
Nhận diện rõ các điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển du lịch là cơ hội để địa phương và ngành du lịch Huế điều chỉnh các chiến lược phù hợp nhằm duy trì các chỉ số, các trụ cột đạt kết quả cao; đồng thời cải thiện những mặt còn hạn chế nhằm nâng cao chỉ số phát triển du lịch của địa phương.

Hiệp hội Du lịch TP. Huế phối hợp các đơn vị tổ chức cuộc thi chế biến món ăn với thị gà Mỹ nhằm nâng cao tay nghề đầu bếp các nhà hàng, khách sạn
Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sắp tới, khi thực hiện chủ trương về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, sẽ có các đơn vị tỉnh, thành phố có diện tích, quy mô lớn, tài nguyên du lịch và nhiều dư địa để phát triển. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Huế và các địa phương trong việc làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao các chỉ số phát triển du lịch. Mục tiêu hướng đến của tất cả các địa phương là đưa ngành công nghiệp không khói phát triển, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, vì vậy phải sẵn sàng “đối mặt” với khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội.
Lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ, nhằm tập trung phát triển du lịch một cách bài bản, Huế đã xây dựng đề án phát triển du lịch, dịch vụ du lịch của thành phố giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh rất rõ các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, sẽ hình thành các thể chế làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch Huế và hình thành một số sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tập trung các nhiệm vụ truyền thông, quảng bá du lịch hiệu quả.
Ngành Du lịch phối hợp các sở, ngành, đơn vị và địa phương sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng, hình thành đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch - dịch vụ du lịch trong thời gian tới. Trong đó, có hợp tác với các tổ chức quốc tế, thuê chuyên gia nước ngoài để tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ chất lượng cao, tập trung các ngành quản lý khách sạn, marketing, lữ hành quốc tế... Ứng dụng, sử dụng công nghệ số, công nghệ sáng tạo vào quản lý và phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm nhấn mạnh, năm 2025, với cơ hội là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Huế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách, quảng bá điểm đến, xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, ngành luôn tăng cường liên kết với các bộ, ngành Trung ương; các địa phương và sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ điểm nghẽn, qua đó thúc đẩy du lịch Huế chuyển mình mạnh mẽ.