Gia tăng nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam

Nhu cầu sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường bất động sản cho người nước ngoài tại Hà Nội đang phát triển, khi mỗi năm Hà Nội cấp phép mới cho khoảng 10 nghìn lao động nước ngoài, phần lớn là lao động chất lượng cao, có nhu cầu về nhà ở cao cấp. Nhu cầu này còn được thúc đẩy bởi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực vào 1/8 năm 2024, với các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), trong những năm gần đây, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa hàng đầu của Việt Nam, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn với người lao động nước ngoài tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, từ khi Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2024, việc người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng người nước ngoài mua nhà tại Hà Nội – một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước.

Theo đó, với số lượng lao động nước ngoài không ngừng gia tăng cùng sự phát triển kinh tế và làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhu cầu nhà ở tại Hà Nội của người nước ngoài làm việc ở khu vực miền Bắc rất lớn; nhất là nhu cầu sở hữu nhà ở cao cấp khi cơ cấu lao động chủ yếu gồm lao động chất lượng cao, tập trung vào vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, và lao động kỹ thuật.

Riêng tại Hà Nội, mỗi năm có khoảng 10.000 lao động nước ngoài được cấp phép mới, có nhu cầu về nhà ở. Số liệu công bố của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho gần 11.200 lượt tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có gần 4.200 vị trí công việc nhà quản lý; 190 vị trí giám đốc điều hành; trên 8.000 vị trí chuyên gia; 1.561 vị trí lao động kỹ thuật. Đồng thời, cấp mới 8.747 giấy phép lao động cho lao động nước ngoài; cấp lại 1.234 giấy phép lao động và gia hạn 2.749 giấy phép. Còn năm 2022, Hà Nội cấp mới trên 10.000 giấy phép; cấp lại 868 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Năm 2021, Hà Nội cấp mới và cấp lại giấy phép cho hơn 10.000 lao động.

“Họ không chỉ tìm kiếm những nơi ở phù hợp mà còn mong muốn tận hưởng môi trường sống hiện đại, gần các trung tâm kinh tế – văn hóa. Các sản phẩm bất động sản tại các khu đô thị hiện đại, đa dạng tiện tích dịch vụ là lựa chọn ưu tiên của nhóm này. Không chỉ có nhu cầu về chỗ ở, theo thời gian, số lượng người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà để sinh sống và gắn bó lâu dài tại Việt Nam cũng gia tăng tương đối mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, nhìn nhận.

Đặc biệt, ông Đính đánh giá nhu cầu này còn được hỗ trợ tích cực hơn bởi Luật Nhà ở 2023. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 17, Luật Nhà ở 2023, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu. Số lượng không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường.

Trước đó, số lượng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ở mức tương đối thấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính từ năm 2015 đến hết quý 3/2023 đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại và tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn phân nửa với 1.765 căn, nhưng chỉ chiếm 0,53% tổng lượng nhà ở của cả nước giai đoạn 2018-2022.

Trong khi nửa đầu năm 2024, người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ tại Hà Nội. Quý cuối năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội cho phép thêm 7 dự án chung cư, với khoảng 3.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài. Chủ yếu là các dự án căn hộ cao cấp trong khu đô thị, phù hợp với nhu cầu của nhóm thu nhập cao này. Các dự án nằm trong khu đô thị cũng nhanh chóng bán hết khoảng hơn 60% quỹ căn được phép mở bán cho người nước ngoài, với mức giá cao hơn 10% so với người Việt Nam.

NGHIÊN CỨU KỸ NHÓM KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU

Căn cứ từ tình hình thực tế, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư, Vars, cho rằng xu hướng gia tăng sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục phát triển. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần hấp thụ một lượng tương đối lớn các sản phẩm cao cấp, hạng sang vẫn còn “tồn kho” trên thị trường. Mặt khác, cũng giúp nhiều người lao động nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Thực tế, Việt Nam cũng cần các nhân sự có trình độ cao và một trong những nguồn phù hợp là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Để đạt được điều đó, họ phải có một cuộc sống ở đây tốt đẹp, tức là phải thuận lợi trong việc tạo lập nhà ở.

Theo bà Miền, đó là cơ hội lớn, nhưng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các chủ đầu tư trong việc đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng. Vì vậy, để đón đầu cơ hội, chủ đầu tư cần nghiên cứu thị trường để xác định nhóm khách hàng mục tiêu đến từ quốc gia nào, khả năng chi trả ra sao. Từ đó, triển khai thực hiện những dự án phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Đặc biệt, đây thường là nhóm có yêu cầu cao nên cần chú ý nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ của sản phẩm.

Các chủ đầu tư có thể bố trí riêng một bộ phận vừa thông thạo ngoại ngữ, vừa am hiểu quy định pháp luật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng người nước ngoài; chủ động trong phương án tìm hiểu, liên hệ và làm việc với đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

“Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam, hoặc nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng đầu tư bất động sản tại Việt Nam sẽ làm nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ, nhất là khi mà giá nhà ở một số quốc gia quá cao, hay việc siết quy định ở một số nước… có thể khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam nói chung tiếp tục tăng lên”, bà Miền nhận xét.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-tang-nhu-cau-nha-o-cho-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.htm